Mặc dù đi lên trong hai phiên giao dịch liên tiếp cuối tuần này, song giá dầu vẫn chứng kiến tuần giảm thứ ba liên tiếp.
Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 6/11, giá dầu tăng sau khi các nước xuất khẩu dầu hàng đầu Saudi Arabia và Nga tái khẳng định cam kết cắt giảm nguồn cung cho đến cuối năm nay. Thậm chí tới phiên giao dịch sau đó (7/11), giá dầu rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2023, do số liệu kinh tế của Trung Quốc suy yếu, đồng USD mạnh lên và xuất khẩu dầu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng.
Nhà phân tích Craig Erlam của công ty tài chính OANDA cho biết, các nhà kinh doanh vẫn thận trọng về nguy cơ căng thẳng ở Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung, nhưng dường như những lo ngại đó đang dịu bớt.
Giá dầu giảm hơn 2% trong phiên 8/11, xuống mức thấp nhất trong hơn ba tháng, do những lo ngại về nhu cầu suy yếu ở Mỹ và Trung Quốc. Trong báo cáo mới nhất, ngân hàng Barclays đã hạ dự báo giá dầu thô Brent trong năm 2024 thêm 4 USD xuống còn 93 USD/thùng.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích tại công ty môi giới tài chính Price Futures Group cho hay sự suy giảm về giá dầu đang phản ánh hai điều: những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn dựa trên dữ liệu từ Trung Quốc, cùng niềm tin rằng xung đột ở Dải Gaza sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng.
Tuy nhiên, giá "vàng đen" đã tăng trở lại trong hai phiên giao dịch cuối tuần này. Giá dầu Brent đã khép phiên ngày 9/11 ở trên mốc 80 USD/thùng, sau khi những lo ngại về nhu cầu và nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột căng thẳng hơn tại Trung Đông giảm dần đã kích hoạt một đợt bán tháo trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 10/11, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tiến 1,42 USD (1,8%), lên 81,43 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn cũng tăng 1,43 USD (1,9%), lên 77,17 USD/thùng.
Tính chung cả tuần qua, dầu Brent sụt 4,9% trong khi dầu WTI mất 5,1%. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5/2023, dầu Brent và WTI ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp.
Các nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank cho biết: "Những lo ngại về nhu cầu đã thay thế nỗi lo gián đoạn sản xuất liên quan đến xung đột ở Trung Đông".
Các số liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc trong tuần này đã gia tăng lo ngại về nhu cầu ngày càng suy yếu. Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc, nước mua dầu thô lớn nhất từ nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới Saudi Arabia, đã đặt hàng ít hơn từ Saudi Arabia cho tháng 12. Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng Mỹ giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 11 và kỳ vọng của các hộ gia đình về lạm phát lại tăng.
Chủ tịch chi nhánh của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại San Francisco Mary Daly cho biết bà chưa sẵn sàng kết luận rằng liệu FED đã thực hiện xong việc tăng lãi suất hay chưa, tương tự bình luận trước đó của Chủ tịch FED Jerome Powell. Lãi suất cao hơn có thể làm giảm nhu cầu dầu bằng cách làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!