Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 9/2023 tăng 1,08% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 9 tăng đến 3,66%. Đây là mức tăng cao thứ 3 trong 9 tháng năm 2023 (tháng 1 tăng 4,89%; tháng 2 tăng 4,31%). Giá dịch vụ giáo dục tăng cao là một trong những yếu tố đẩy CPI tháng 9/2023.
Thống kê cho thấy, tháng 9/2023, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Trong đó đáng chú ý, chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 9 tăng 8,06% so với tháng trước. Cụ thể, dịch vụ giáo dục tăng 8,99% do một số địa phương thực hiện tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn. Một số địa phương có chỉ số giá dịch vụ giáo dục tháng 9/2023 so với tháng trước tăng cao: Thái Bình tăng 48,81%; Quảng Ninh tăng 39,15%; Hà Nội tăng 37,59%; Hòa Bình tăng 32,15%; Lâm Đồng tăng 30,21%; Trà Vinh tăng 19,43%; Quảng Bình tăng 18,67%...
Ngoài ra, một số trường đại học công lập, dân lập, tư thục cũng tăng học phí năm học 2023-2024 để đảm bảo thu chi thường xuyên. Bên cạnh đó, giá văn phòng phẩm tháng 9/2023 tăng 1,26% so với tháng trước, trong đó giá sách giáo khoa tăng 2,24%; giá vở, giấy viết các loại tăng 0,72%; giá bút viết các loại tăng 0,54%; giá văn phòng phẩm và đồ dùng học tập khác tăng 0,35%…
Ngoài giáo dục, chỉ số giá nhóm lương thực tháng 9/2023 tăng 3,19% so với tháng trước. Trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 4,23%. Trong tháng 9, giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn như, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi tăng trong khi Ấn Độ, Nga, UAE thực hiện cấm xuất khẩu gạo để bình ổn giá trong nước.
Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 14.000-17.000 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 18.000-22.000 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 19.500-22.000 đồng/kg; giá gạo nếp từ 25.000-40.000 đồng/kg.
Giá gạo tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến và ngũ cốc khác như giá khoai tháng 9 tăng 2,99% so với tháng trước; bún, bánh phở, bánh đa tăng 2,32%; ngô tăng 2,3%; sắn tăng 0,96%; miến tăng 0,62%; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,34%; bột mỳ tăng 0,35%; bột ngô tăng 0,27%…
Tính chung 9 tháng đầu năm CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cục Thống kê cho biết, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm có xu hướng giảm và từ tháng 7 theo xu hướng tăng dần trở lại. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 7,08% trong tháng 1/2023 đã giảm mạnh 31,73% trong tháng 6/2023 và sang tháng 9, giá xăng dầu đã tăng 5,64% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, bình quân 9 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,49% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,16%).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!