Giá điện bộc lộ nhiều bất cập

Xuân Dung -Thứ ba, ngày 13/11/2012 15:51 GMT+7

Luật Điện lực đã được Quốc hội khóa XI thông qua năm 2004. Qua hơn 7 năm thực hiện, một số quy định của luật đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với các mục tiêu phát triển năng lượng của đất nước.

Dự thảo Luật Điện lực đã được xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13. Từ đó tới nay, Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến góp ý của các ĐBQH, các chuyên gia, các nhà khoa học, các DN hoạt động trong lĩnh vực điện lực. Trong đó tập trung nhiều nhất vào vấn đề “giá điện và các loại phí điện lực”. Đây cũng là vấn đề mà người dân quan tâm, vì bất cứ thay đổi nào liên quan tới giá điện đều có thể tạo ra những xáo trộn trong đời sống xã hội.

Đầu tư trên 10.000 tỷ đồng xây dựng Nhà máy điện Cẩm phả, nhưng đến 80% là vay ngoại tệ. Kể từ khi đi vào hoạt động từ 2010 tới nay, năm nào nhà máy cũng lỗ, cao nhất đến 600 tỷ đồng, đấy là chưa kể chênh lệch tỷ giá từ năm 2010 tới nay.

Ông Vũ Xuân Trình, Phó TGĐ Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả kiến nghị: “Nếu đưa được chênh lệch tỷ giá vào thì rõ ràng giá thành được nâng lên, vì những nhà máy mới đầu tư hầu như phải vay vốn rất lớn, đặc biệt là ngoại tệ”.

Theo quy định của Luật Điện lực hiện hành “Biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, tuy nhiên giá bán điện bình quân chỉ phù hợp khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị mua và bán lẻ duy nhất, nhưng nay cấu trúc thị trường thay đổi theo cấp độ thì giá bán lẻ điện sẽ chịu tác động của cơ chế thị trường.

Ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng Ban pháp chế Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng: “Giá bán lẻ điện hiện nay không phản ánh đúng những biến động đầu vào khi hình thành nên giá điện, ví dụ nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu nguồn điện khi hình thành nên giá”.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: “Riêng ngành điện không thể ấn định được một giá, giá đó có thể dao động trong 24h. Tuy nhiên làm sao phải hạch toán kinh doanh của ngành điện để giá bán ra không thấp hơn giá sản xuất”.

Nhiều quan điểm cho rằng, nếu thả nổi giá điện theo thị trường thì giá điện sẽ tăng cao hơn nhiều so với giá hiện hành nếu tính đầy đủ. Vì thế trong Dự thảo Luật Điện lực đề xuất “Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh nêu ý kiến: “Giá cần theo cơ chế thị trường nhưng phải có sự quản lý của Nhà nước, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh và đề xuất phải có sự tham gia giám sát của người tiêu dùng, vì thực tại chúng ta chưa thực sự có thị trường điện cạnh tranh, mà đang trong giai đoạn sửa đổi”.

Điện là vấn đề nhạy cảm có tác động lớn tới toàn xã hội, trong khi Luật Điện lực hiện nay đã bộc lộ những bất cập, thì việc sửa đổi Luật Điện lực cho phù hợp với thực tế hướng tới phục vụ thị trường điện theo đúng nghĩa trong tương lai là vấn đề vô cùng quan trọng để hướng tới một thị trường điện minh bạch hơn và hoàn thiện hơn.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước