Phối cảnh dự án điện khí LNG Hải Lăng tại khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN
Bộ Công Thương vừa duyệt khung giá phát điện nhà máy nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng (LNG). Khung giá ở mức 0 - 2.590,85 đồng một kWh, chưa gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Trong đó, giá trần là 2.590,85 đồng một kWh, tương đương khoảng 10,56 cent một kWh. Mức này cao hơn nhiều các nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió vận hành thương mại trước 1/11/2021 (8,5-9,8 cent một kWh). Hay các nguồn điện gió chuyển tiếp đang áp theo khung giá của Bộ Công Thương, mức 6,42-7,34 cent một kWh (1.587-1.816 đồng).
Mức trần này cũng cao hơn khoảng 30% so với giá bán lẻ bình quân (2.006,9 đồng một kWh).
Giới chuyên môn cho rằng khung giá phát điện LNG được duyệt sẽ là căn cứ gỡ vướng, đảm bảo tiến độ cho các dự án điện khí.
Theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án); trong đó, nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước có 10 dự án, nhà máy điện khí LNG có 13 dự án.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, hầu hết dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư vẫn chưa có nhiều tiến triển. Nguyên nhân là do chưa xác định được giá điện, dẫn đến nhà đầu tư chưa tính toán được hiệu quả suất đầu tư.
Ngoài ra, còn có các vướng mắc liên quan đến tiến độ giải phóng mặt bằng tại các địa phương; một số địa phương chưa thể đàm phán, ký kết thỏa thuận đấu nối cho dự án do chưa xác định được chủ đầu tư các dự án đường dây truyền tải để giải tỏa công suất; các đề xuất ưu đãi, đảm bảo đầu tư của nhà đầu tư chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!