Giá điện tăng 4,5%: Đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế

Trung Hậu-Thứ năm, ngày 09/11/2023 21:12 GMT+7

VTV.vn - Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá điện tăng 4,5% giúp giảm thiểu phần nào khó khăn cho EVN, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế.

Bắt đầu từ 9/11, giá bán lẻ điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng là trên 2.006 đồng/kWh. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Việc điều chỉnh tăng giá điện lần này được thực hiện đúng quy định về điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, đảm bảo để ngành điện thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch năm 2024.

Theo quyết định quy định về giá điện do Bộ Công Thương ban hành, cùng với việc điều chỉnh giá bán lẻ cho các ngành sản xuất, giá bán lẻ cho kinh doanh…, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới được tính theo 6 bậc thang tiền điện cũng đã được công bố để người tiêu dùng dễ quản lý được hóa đơn theo sản lượng.

Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân lần này kỳ vọng phản ánh phần nào mức giá thị trường của nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện, qua đó tạo môi trường bình đẳng giữa các bên trong hoạt động điện lực.

Giá điện tăng 4,5%: Đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - Ảnh 1.

"Mức 4,5% đã hài hòa, giảm thiểu phần nào khó khăn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy nền kinh tế, tức là ở đây đã giải quyết tổng hòa lợi ích, góp phần cung ứng đủ điện cho đất nước", ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết.

Theo các chuyên gia, các hộ nghèo, gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể trong việc điều chỉnh giá điện lần này.

"Theo biểu giá điện này, số tiêu thụ ở bậc khởi điểm, bậc 1 và bậc 2, tạm gọi đấy là nhóm thu nhập thấp, người ta tiêu thụ rất ít, rất tiết kiệm, mức tăng này vẫn ở dưới mức tăng bình quân, như vậy các nhóm đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình đã được quan tâm", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nhận định.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, 10 tháng qua chi phí mua điện đã tăng so với kế hoạch là trên 13.000 tỷ đồng. Một mức tăng khá cao , nguyên nhân được chỉ ra là do tình hình thủy văn không thuận lợi ở các tháng mùa khô, dẫn đến phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện giá cao như nhiệt điện than, nhiệt điện khí và phát điện bằng dầu.

"Việc điều chỉnh giá tăng 4,5% cho giai đoạn sắp tới, từ ngày 9/11 là một nỗ lực lớn của Chính phủ và của toàn bộ nền kinh tế, nhằm đảm bảo an ninh trong cung cấp điện. Chúng ta đã điều chỉnh giá theo tín hiệu của thị trường, nhưng chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để trả lại bài toán giá điện theo tín hiệu của thị trường", PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, cho hay.

Đầu tháng 5 vừa qua, sau khi giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh tăng 3%, doanh thu của ngành điện năm nay ước tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng, đến nay với mức tăng mới 4,5% nữa kỳ vọng sẽ mang về cho ngành điện thêm 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên với việc chi phí sản xuất và mua điện vẫn tăng cao, nên việc điều chỉnh nói trên cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính của EVN trong ngắn hạn.

EVN: Có thêm khoảng 3.200 tỷ đồng từ tăng giá điện chỉ giúp giảm bớt một phần khó khăn EVN: Có thêm khoảng 3.200 tỷ đồng từ tăng giá điện chỉ giúp giảm bớt một phần khó khăn

VTV.vn - Đại diện Tập đoàn EVN khẳng định, dù mức doanh thu tăng thêm, song đây cũng chỉ giảm bớt khó khăn cho EVN.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước