Giá đường tăng lên mức kỷ lục 12 năm

Kim Huệ-Thứ ba, ngày 19/09/2023 16:12 GMT+7

VTV.vn - Giá đường tăng liên tục từ giữa tháng 8 và duy trì tại vùng giá cao nhất 12 năm trong suốt 2 tuần trở lại đây.

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh nguồn cung trên thế giới đối mặt với nhiều căng thẳng, từ tình trạng mất mùa do thời tiết, cho đến các động thái cấm xuất khẩu đường của một số quốc gia sản xuất hàng đầu.

Số liệu từ Trading Economics cho biết, hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 10 niêm yết trên Sở ICE đã tăng lên mức hơn 597 USD/tấn.

Sau khi được đóng gói, những bao tải đường sẽ được vận chuyển ra cảng để xuất khẩu. Ấn Độ đã xuất khẩu số lượng đường kỷ lục lên tới 11,2 triệu tấn trong niên vụ 2021 - 2022. Tuy nhiên hiện New Delhi muốn đảm bảo rằng hàng hóa trong kho đủ để phục vụ cho nhu cầu trong nước.

"Vụ mùa thu hoạch đường bắt đầu từ tháng 11 và chính phủ Ấn Độ luôn muốn có trong kho dự trữ ít nhất một lượng đường phục vụ cho 2 tháng, tức là vào khoảng 6 triệu tấn", ông Alok B Shriram, chủ xưởng sản xuất đường, Ấn Độ, cho biết.

Giá đường tăng lên mức kỷ lục 12 năm - Ảnh 1.

Sản lượng đường đang bị đe dọa nghiêm trọng ở châu Á, nơi có các nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)

Mặc dù thông tin chính phủ Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu đường từ tháng 10 tới đây vẫn chưa chính thức, nhưng chừng đó cũng đã là đủ để đẩy thị trường đường, vốn đã căng thẳng nguồn cung, trở nên càng biến động.

Một báo cáo gần đây của Hiệp hội Mía Đường quốc tế cho biết, năm 2022 thế giới dư thừa tới 500.000 tấn đường, nhưng năm nay sẽ thâm hụt tận 2,2 triệu tấn, do đó tác động mạnh đến giá đường.

Dù Brazil ghi nhận sản lượng đường tích cực, tuy nhiên theo CNBC và Trading Economics, sản lượng đường đang bị đe dọa nghiêm trọng ở châu Á, nơi có các nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới, đang chịu tác động mạnh của các đợt nắng nóng và lượng mưa thấp.

"Nhìn chung, sản lượng đường tại các quốc gia sản xuất lớn là Ấn Độ và Thái Lan vẫn đứng trước nguy cơ bị giảm sâu, ít nhất là đến quý I năm sau do thời tiết khô hạn. Bên cạnh đó, chính sách gia tăng sản xuất ethanol từ nguyên liệu đường cũng sẽ khiến nguồn cung đường càng thu hẹp hơn. Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới sẽ bước vào mùa lễ hội vào cuối năm, dự kiến nhu cầu tiêu thụ đường sẽ gia tăng trong giai đoạn này. Theo tôi, với cán cân cung cầu như hiện tại, giá đường thế giới sẽ vẫn duy trì đà tăng và neo ở các mức cao trong quý IV năm nay, thậm chí có thể phá vỡ các kỷ lục giá trước đó", ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, đánh giá.

Làn sóng kiểm soát thị lương thực được dự đoán sẽ diễn ra gay gắt hơn tại hàng loạt quốc gia xuất khẩu đường lớn khác như: Thái Lan, Trung Quốc, Mexico, Pakistan và châu Âu.

Nhiều chuyên gia cảnh báo triển vọng nguồn cung ngành mía đường dự đoán sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng sâu rộng, đối mặt với những khủng hoảng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.

Thị trường mía đường căng thẳng nguồn cung Thị trường mía đường căng thẳng nguồn cung

VTV.vn - Nguồn cung đường trên thế giới đang đối mặt với nhiều căng thẳng bắt nguồn từ những hệ quả của tình trạng mất mùa tại Ấn Độ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước