Giá khí đốt tại châu Âu chạm ngưỡng cao kỷ lục

Việt Linh-Thứ tư, ngày 24/08/2022 05:33 GMT+7

VTV.vn - Tâm điểm sự chú ý tại châu Âu tuần này là giá khí đốt tại khu vực này vừa chạm ngưỡng cao kỷ lục từ trước đến nay.

Dữ liệu giá khí đốt hợp đồng tương lai trên thị trường Hà Lan đã có thời điểm vượt ngưỡng 290 Euro/1000 kilowatt giờ, tương đương khoảng 2,2 USD/1 mét khối, trước khi quay đầu giảm nhẹ về cuối phiên.

Chỉ trong 1 tháng qua, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng gấp đôi, trong bối cảnh Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt sang châu lục này, mà mới nhất là việc tuyên bố sẽ tạm dừng đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 để bảo trì vào cuối tháng 8 tới đây.

Tuyên bố của Gazprom - khoá đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 để bảo dưỡng trong 3 ngày - có thể được coi là một động thái nhắm vào châu Âu , khu vực vốn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga.

Giá khí đốt tại châu Âu chạm ngưỡng cao kỷ lục - Ảnh 1.

Trước mắt, việc đóng cửa đường ống trong thời gian ngắn sẽ không gây ra tác động quá lớn, nhất là khi Nga đã giảm cung cấp khí đốt qua tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 xuống còn 20% công suất từ cuối tháng 7. Tuy nhiên động thái này cho thấy 2 rủi ro. Một là Nga có thể tuyên bố không thể mở đường ống trở lại sau đó, vì một 'vấn đề kỹ thuật' chỉ có thể được giải quyết bằng cách phương Tây dỡ trừng phạt và hai là Nga sau đó có thể cũng khoá các đường ống khác dẫn khí đốt sang châu Âu.

Khó khăn đối với các nước châu Âu vào lúc này chính là sự khan hiếm khí đốt đã dẫn tới giá khí đốt tăng chóng mặt từng ngày. Giá năng lượng leo thang gây áp lực lớn lên ngân sách của các hộ gia đình, đẩy lạm phát ở châu Âu lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và nền kinh tế khu vực ngấp nghé bờ vực suy thoái.

Phóng viên chương trình Tài chính kinh doanh đã kết nối với phóng viên Thế Dũng, thường trú đài THVN tại châu Âu. Phóng viên Thế Dũng đã cập nhật những động thái mới nhất của phía châu Âu trước tình trạng giá khí đốt bán buôn tại châu Âu đã lập đỉnh mới.

Xin chào anh Thế Dũng, phương án giải quyết của các nước châu Âu trong đợt tăng giá khí đốt tự nhiên lần này là gì?

Phóng viên Thế Dũng: Phải 1 tuần nữa thì kỳ nghỉ hè tại các nước châu Âu mới kết thúc nên một giải pháp nhanh nhằm kìm giá khí đốt ở cấp độ Liên minh châu Âu chưa thể có ngay. Thời gian qua, Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên cực chẳng đã phải cắt giảm 15% nhu cầu tiêu thụ, ban hành nhiều giải pháp cho thấy có sự thay đổi trong các ưu tiên năng lượng của châu Âu, cụ thể là: buộc phải cho một số nhà máy điện than hoạt động trở lại, kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân và xây dựng cơ sở tiếp nhận khí hoá lỏng để thay thế khí đốt từ Nga, bất chấp sự phản đối của các nhà hoạt động môi trường.

Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt chủ chốt từ Nga đang bị giới hạn, các nước đã phải tìm đến các nguồn năng lượng thay thế, chẳng hạn như than… Bên cạnh đó, khí hoá lỏng dường như cũng được các nước châu Âu, nhất là Đức, quốc gia châu Âu nhập khí đốt nhiều nhất từ Nga, coi là giải pháp quan trọng, khi nguồn cung khí đốt của Nga bị cắt hoàn toàn. Vậy liệu phương án này có thực sự mang lại hiệu quả trong giai đoạn này?

Phóng viên Thế Dũng: Ngay khi Nga công bố dừng hoạt động đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 để bảo dưỡng, Thủ tướng Đức hôm 22/8 đã hội đàm với Thủ tướng Canada để tìm giải pháp thay thế khí đốt của Nga. Dù là nước sản xuất khí hoá lỏng lớn song Canada chưa thể đưa ra giải pháp cho tình trạng thiếu năng lượng của Đức do Đức chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp nhận và vận chuyển khí hoá lỏng và đây cũng là tình trạng chung của nhiều quốc gia châu Âu.

Tây Ban Nha là quốc gia có lợi thế hơn các nước châu Âu khác với 6 nhà máy sản xuất khí hóa lỏng song cũng chỉ xử lý được gần 40% lượng khí nhập vào châu Âu. Ngay cả khi khí hoá lỏng đã được chuyển thành khí đốt cung cấp cho hộ gia đình và các doanh nghiệp, cũng chưa có hệ thống đường ống truyền dẫn hoàn thiện từ Tây Ban Nha đến tất cả các nước châu Âu, nhất là Đức.

Giá khí đốt tăng cao hơn và nguồn cung ngày càng khan hiếm hơn sẽ làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế của các nền kinh tế châu Âu. Nhất là trong bối cảnh mùa đông sắp tới, nhiều chuyên gia còn cảnh báo, các nước châu Âu nhiều khả năng sẽ không có đủ khí đốt để dùng trong mùa đông năm nay, nếu Nga tiếp tục giảm cung cấp khí đốt trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước