Giả mạo quỹ đầu tư để lừa đảo

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 13/03/2023 21:22 GMT+7

VTV.vn - Nhiều nạn nhân bị dụ dỗ tham gia các gói đầu tư "không cần làm gì cũng có tiền theo ngày" của một số kẻ lừa đảo tự xưng đến từ các quỹ đầu tư lớn ở Việt Nam.

Cảnh giác lừa đảo tham gia sàn giao dịch ngoại hối

Chắc chắn lãi 5%/ngày, đây là cam kết của những chủ nhóm, nhân viên bán hàng kêu gọi đầu tư vào sàn Forex D.

Thậm chí, nếu nộp tiền nhiều thì đảm bảo lãi lên tới 10 - 15%/ngày. Còn nếu mua cổ phiếu hãng ô tô điện Tesla của Mỹ, thì lợi nhuận lên đến 30%. Toàn những mức lãi không thể tin được.

Để lấy được lòng tin của nhà đầu tư, những người này còn dẫn dụ về cái gọi là số tiền lãi lên đến cả tỷ đồng trong các nhóm chat với khoảng 400 người tham gia.

"Luôn luôn post lên nhóm những nhà đầu tư nạp tiền vào hàng ngày, 500, 1 tỷ, 2 tỷ, 3 tỷ..., các bạn quảng cáo rút tiền nhanh gọn. Tôi đầu tư 2.000 USD được bao lời 5%/ngày. Bạn ấy gọi cho mình qua Telegram đặt lệnh liên tục vàng, dầu, đô la Australia, đồng Bảng Anh, Euro… được tầm 15 - 20 phút thì cháy tài khoản. Các bạn ấy động viên anh phải nạp thêm tiền để gỡ", một người tham gia sàn chia sẻ.

Giả mạo quỹ đầu tư để lừa đảo - Ảnh 1.

Nếu doanh nghiệp này nhận tiền của nhà đầu tư và kinh doanh mua bán ngoại tệ là đang vi phạm pháp luật của Việt Nam, nhưng rất có thể, nhà đầu tư bị lừa vì không hề có hoạt động mua bán thực tế nào ở đây.

"Tất cả những sàn giao dịch ở Việt Nam hiện nay đều là mang tính lừa đảo, không có hoạt động giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam và sàn quốc tế", ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ an ninh mạng Quốc gia Việt Nam NCS, đánh giá.

"Chúng ta nộp tiền vào cho họ là nộp vào một hệ thống riêng biệt, hệ thống công nghệ thông tin do họ tự phát triển. Khi chúng ta nộp tiền vào thì bản chất họ đã chiếm dụng vốn của chúng ta. Bất kể các hoạt động nào về sau chỉ là mô phỏng trên một cái giao dịch thực tế", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết, cho biết.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư được yêu cầu chuyển tiền đến một doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh chuyên ngành về lập trình máy tính, xử lý dữ liệu, có hoạt động tư vấn đầu tư nhưng không được liên quan đến tài chính, chứng khoán.

"Công ty này sẽ phải chịu trách nhiệm về số tiền, tính chất hợp pháp của giao dịch. Các cá nhân tiếp tay cho tội phạm, cho sai phạm khi tuyên truyền, mời chào, môi giới cho những giao dịch bất hợp pháp và có dấu hiệu chiếm đoạt tiền của người khác. Ngân hàng giao dịch sẽ phải giải trình, quản lý được tiền đi đâu về đâu", luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, nhận định.

Tiền đi đâu về đâu chưa biết, nhưng ngay lúc này, nhà đầu tư còn không thể liên lạc được với người đã kêu gọi chuyển tiền.

"Người liên hệ chặn hết Zalo, chặn Facebook. Nhóm đầu tư không vào được nữa. Tôi lấy số khác gọi, mới đầu người ta nghe, nhưng sau người ta nhận ra thì không trả lời nữa", người tham gia cho biết.

Phóng viên cũng đã tìm cách liên hệ, gọi 3 cuộc đến đường dây nóng ghi trên trang web của sàn Forex D nhưng không ai bắt máy, còn gọi đến số điện thoại của người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Sodial VN - doanh nghiệp nhận tiền của nhà đầu tư, cũng không liên lạc được.

Cảnh giác tình trạng giả mạo quỹ đầu tư để lừa đảo

Không thể liên lạc được sau khi mất số tiền lên đến hàng tỷ đồng, đó là trường hợp của các nạn nhân bị dụ dỗ tham gia các gói đầu tư "không cần làm gì cũng có tiền theo ngày" của một số kẻ lừa đảo tự xưng đến từ các quỹ đầu tư lớn ở Việt Nam.

Mất gần 2 tỷ đồng vì tham gia đầu tư theo nhóm trên mạng xã hội. Kẻ lừa đảo đảm bảo lãi 300.000 - 500.000 đồng/ngày hay thông báo người chơi trúng cả tỷ rồi yêu cầu nộp tiền; hay quỹ Dragon Capital cũng bị kẻ lừa đảo dùng logo, mạo danh để cho vay qua app.

Theo các chuyên gia, việc tạo lập các hội nhóm, các ứng dụng thậm chí các website giả mạo là rất dễ dàng.

"Kẻ lừa đảo có thể làm những website rất là nhanh, dễ dàng, vì nó không cần logic nào cả. Có thể copy ở website từ bất cứ nơi nào, miễn sao có những từ khóa mà người dùng nhìn vào đó tưởng là có giao dịch, nhưng đây chỉ là website giả", ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ an ninh mạng Quốc gia Việt Nam NCS, cho biết.

Giả mạo quỹ đầu tư để lừa đảo - Ảnh 2.

Đáng nói, kẻ lừa đảo còn tự xưng là trưởng phòng đầu tư của quỹ VinaCapital, với các giấy tờ đóng dấu đỏ khắp nơi, hợp đồng đầu tư chuyên án. Trước tình trạng này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cảnh báo và khuyến cáo nhà đầu tư trước khi chuyển tiền.

"Nhà đầu tư có thể tìm hiểu về các dịch vụ, sản phẩm đầu tư của các công ty quản lý quỹ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép tại các website tại các công ty quản lý quỹ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép trên trang công bố thông tin", ông Nguyễn Quang Long, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý Quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho hay.

Tháng 11/2022, Công an Hà Nội cũng đã cảnh báo 16 website giả mạo các công ty chứng khoán nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Dụ dỗ những người nhẹ dạ chuyển một số tiền nhỏ với mức sinh lời cao sau đó chuyển một số tiền lớn, nhưng khi nhà đầu tư thua lỗ, liền bị cắt liên lạc, theo cơ quan công an, thủ đoạn này không mới. Tuy nhiên với lời dụ dỗ ngon ngọt, khơi gợi lòng tham của không ít người, nên gần đây liên tục có nhiều người gửi đơn trình báo đến các cơ quan chức năng sau khi bị mất tiền.

Cảnh báo giả mạo công ty quản lý quỹ lừa đảo nhà đầu tư chứng khoán Cảnh báo giả mạo công ty quản lý quỹ lừa đảo nhà đầu tư chứng khoán

VTV.vn - Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vừa đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư về việc một số đối tượng giả mạo thông tin của các công ty quản lý quỹ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

quỹ đầu tư

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước