Tại thời điểm 9h ngày 4/4, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 70,90 - 72,40 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 550 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 800 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu giá vàng nhẫn ở mức 71,12 - 72,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 690 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng nhẫn lập kỷ lục mới trên 72 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC cũng nối tiếp đà tăng mạnh. Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,4 - 81,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 600 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,7 - 81,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 600 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Liên quan tới quản lý thị trường vàng, tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chiều 28/3 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, các chuyên gia đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Trước đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhìn nhận nếu bỏ độc quyền vàng miếng SJC ngay lập tức sẽ có những tác động nhất định tới thị trường vàng Việt Nam.
"Nếu có nhiều sản phẩm khác, thị trường phong phú hơn thì chắc chắn giá vàng SJC sẽ giảm, dù còn cao hơn giá thế giới nhưng mức chênh lệch ở tỷ lệ vừa phải. Người tiêu dùng có lợi, thị trường sẽ bình ổn hơn", ông Khánh nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia vàng Nguyễn Thế Hùng phân tích, thị trường vàng thế giới vẫn đang chu kỳ tăng giá. Nếu không xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng thì khó ổn định thị trường. "Chưa cần cho nhập khẩu, chỉ cần xóa bỏ độc quyền, giá vàng sẽ lập tức giảm ngay vài triệu đồng mỗi lượng", ông Hùng nói.
Theo ông Khánh, bỏ độc quyền vàng miếng là điều kiện tiên quyết để sau này cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Hà Nội cũng cho rằng bỏ độc quyền nhưng không thả nổi sẽ giúp thị trường vàng minh bạch hơn, giữ vững chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế. Giảm chênh lệch giá vàng sẽ giúp kim loại quý này bớt ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!