Sáng 15/8, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng ở mức 54,53 – 56,53 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 360.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch liền trước. Chênh lệch giá mua – bán hiện là 2 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào – bán ra ở mức 54,70 – 56,30 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với thời điểm đóng cửa phiên giao dịch 14/8. Chênh lệch giá bán hiện cao hơn giá mua 1,6 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 700.000 đồng/lượng chiều mua vào và 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 52,46 – 54,26 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng có thể hạ nhiệt trong ngắn hạn?
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tăng 38,9 USD lên 1.952,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 9 trên sàn Comex New York giảm 13,4 USD xuống 1.945,9 USD/ounce.
Quy đổi theo tỷ giá VND/USD hiện nay, giá vàng thế giới hiện khoảng 54,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 2-2,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Theo dữ liệu mới công bố, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước của Mỹ lần đầu tiên kể từ giữa tháng 3 ở dưới mức 1 triệu. Việc sụt giảm này, theo giới phân tích, có thể một phần do gói cứu trợ 600 USD/tuần chấm dứt vào cuối tháng 7.
Theo thăm dò của tờ Tạp chí phố Wall, đã có 1,5 triệu người có việc làm trở lại trong tháng 7, khiến tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ tháng này có thể giảm xuống còn 10,6% so với 11,1% hồi tháng 6.
Giá vàng châu Á đi xuống trong phiên 14/8 giữa lúc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng buộc các nhà đầu tư đánh giá lại kế hoạch của họ sau khi giá vàng rời mức "đỉnh" hồi đầu tuần và giá kim loại quý này đang hướng đến tuần giảm đầu tiên kể từ đầu tháng 6/2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!