Lúc 9h30, giá vàng SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn ở mức 82,3-84,3 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng chiều mua vào và 1.000.000 đồng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm này sáng qua. Giá nhẫn tròn trơn ở mức 75-76,9 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng mỗi lượng.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu hiện niêm yết giá vàng SJC ở mức 81,95-84,1 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 1.000.000 đồng mỗi lượng so với cùng giờ này sáng qua. Giá vàng nhẫn tròn trơn cũng tăng 800.000 đồng ở chiều mua vào và 600.000 đồng ở chiều bán ra, hiện ở mức 75,28-76,98 triệu đồng/ lượng.
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 81,9-84,2 triệu đồng mỗi lượng, tăng 700.000 đồng mỗi lượng so với phiên sáng qua. Giá nhẫn tròn trơn hiện niêm yết ở mức 75,55-77,45 triệu đồng/mỗi lượng, tăng trung bình 1.000.000-1.200.000 đồng mỗi lượng.
So với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC và vàng nhẫn hiện cao hơn khoảng 300-700 nghìn đồng mỗi lượng.
Theo giới phân tích, đà tăng của giá vàng thế giới đã tác động khiến giá vàng trong nước tiếp tục đi lên, bất chấp thị trường đang kỳ vọng những phiên đấu thầu vàng miếng sắp tới của Ngân hàng Nhà nước nhằm tăng nguồn cung cho thị trường.
Ngày 15/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tổ chức đấu thầu vàng miếng. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm Ngân hàng Nhà nước tổ chức công tác này, khi mà chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế quá cao, có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/ lượng. Hiện có 26 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng quan tâm đến đấu thầu vàng, trong đó có 15 đơn vị đã gửi thư quan tâm đến Ngân hàng Nhà nước để tham gia đấu thầu.
Theo thông tin ban đầu, vàng được Ngân hàng Nhà nước đem ra đấu thầu là vàng miếng SJC. Nguyên tắc trúng thầu dựa trên 2 yếu tố chính là giá và khối lượng. Việc tăng cung vàng miếng thông qua đấu thấu này được cho là công cụ hữu hiệu để giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, đánh giá động thái của Ngân hàng Nhà nước về những phiên đấu thầu vàng nhằm tăng cung cho thị trường là giải pháp tình thế và hợp lý ở thời điểm này.
Tuy nhiên, muốn giá vàng miếng SJC giảm về sát giá thế giới thì còn tùy thuộc vào số lượng phiên đấu thầu, nguồn cung vàng cụ thể ra thị trường ra sao. Thị trường vẫn đang theo dõi và có thể giá sẽ phản ứng mạnh hơn cho đến phiên đấu thầu đầu tiên. Về lâu dài, vẫn cần những giải pháp căn cơ hơn để giá vàng trong nước liên thông với giá thế giới.
Giá vàng thế giới tăng vọt do lo ngại căng thẳng Trung Đông
Trên thị trường thế giới, giá vàng thế giới phiến 16/4 đã tăng vọt khi căng thẳng ở Trung Đông thúc đẩy nhu cầu mua vào các tài sản an toàn như vàng. Thời điểm 8h30 ngày 16/4 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đứng ở mức 2.383 USD/ounce, tăng mạnh 25 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua.
Chiến lược gia Bart Melek, tại ngân hàng TD Securities, nhận định căng thẳng địa chính trị là nhân tố thúc đẩy giá vàng.
Giá vàng lên giá bất chấp việc đồng USD tăng và lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất trong 5 tháng, sau số liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng Ba tăng cao hơn dự kiến. Số liệu khả quan này làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Hiện nay, thị trường dự đoán Fed sẽ có chưa đến hai lần cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay, ít hơn so với dự báo giảm lãi suất ba lần trước đó.
Về triển vọng của giá vàng, chiến lược gia Daniel Pavilonis, tại công ty thương mại RJO Futures, dự kiến trong thời gian tới, giá kim loại quý này có thể giảm xuống còn 2.200 USD/ounce khi yếu tố địa chính trị giảm bớt sức ảnh hưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!