Thời gian gần đây, xoài trở thành 1 trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhờ có vùng nguyên liệu lớn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140 ngàn hecta xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD. Tuy nhiên, trái xoài cũng thường xuyên biến động về giá bán.
Tại nhiều địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, như: Đồng Tháp, Tiền Giang, giá xoài Cát Chu thương lái mua tại vườn giảm, còn 6.000 - 7.000 đồng/kg, nông dân lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Đồng Tháp là một trong những địa phương có diện tích trồng xoài khá lớn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Riêng những vườn trồng đạt chuẩn VietGAP, có liên kết đầu ra từ trước, giá bán gấp đôi, từ 12.000 đồng trở lại. Không chỉ xoài Cát Chu, giá xoài cát Hòa Lộc cũng giảm liên tục từ giữa tháng 4.
Tìm thêm đầu ra cho xoài Đồng Tháp
Đồng Tháp là một trong những địa phương có diện tích trồng xoài khá lớn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Tình cảnh được mùa, mất giá vẫn thường xuyên diễn ra.
Để có thêm cơ hội, kết nối tìm đầu ra, Đồng Tháp chuẩn bị tổ chức Lễ hội Xoài năm 2023 vào cuối tháng 4 này, với chủ đề "Xoài Đồng Tháp - Nâng tầm vị thế".
Những trái xoài sắp sửa cho thu hoạch, cũng là thời điểm diễn ra Lễ hội Xoài. Trồng xoài hơn 20 năm nay, nghe tin loại trái quê nhà được chọn trong lễ hội sắp tới, những nhà vườn như ông Bá (xã Mỹ Xương, Cao Lãnh, Đồng Tháp) cảm thấy phấn khởi và cũng nhiều hy vọng.
"Vườn tôi sản xuất theo hướng hữu cơ để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Đến lễ hội, mình sẽ đáp ứng cho du khách đến tham quan", ông Huỳnh Thanh Bá, xã Mỹ Xương, Cao Lãnh, Đồng Tháp, chia sẻ.
Trong khuôn khổ lễ hội sẽ có các đoàn Famtrip về tham quan vườn xoài. Không chỉ được thưởng thức trái ngon, du khách gần xa còn được nghe những câu chuyện hay về xoài. Đó là điều hấp dẫn không phải nơi nào cũng có được. Nhà vườn cũng không quên quảng bá sản phẩm vườn nhà theo cách riêng.
"Hướng ở xã là làm theo quy trình, có mã vùng, mã số, liên kết doanh nghiệp để xuất khẩu. Điểm của tôi chuẩn bị món sinh tố xoài, điểm khác thì bánh kẹp xoài để đãi khách", ông Nguyễn Văn Mách, xã Mỹ Xương, Cao Lãnh, Đồng Tháp, cho biết.
Tại Lễ hội Xoài, Đồng Tháp sẽ mở cửa 16 điểm tham quan vườn xoài ở thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh. Năm nay do điều kiện thời tiết thuận lợi nên phần lớn các diện tích chuyên canh đều đậu trái với tỷ lệ khá cao. Dự kiến,khoảng 1.200 ha vườn xoài sẽ thu hoạch vào cuối tháng 4, với sản lượng ước đạt 20.000 tấn. Tất cả đã sẵn sàng, hứa hẹn một lễ hội thành công, một cơ hội mới về đầu ra cho trái xoài Đồng Tháp.
Để quả xoài đi xa
Quảng bá, kết nối tiêu thụ xoài của Đồng Tháp cũng khá thu hút, đặc biệt là ngay kỳ nghỉ lễ dài tới, tuy nhiên vẫn chưa đủ để có thể tiêu thụ hết sản lượng có thể lên đến 140.000 tấn mỗi năm. Lời giải tiếp theo là rải vụ, chế biến sâu.
Để có thể làm ra được những miếng xoài sấy khô, phải mất thời gian hơn 12 giờ, với sự hỗ trợ của máy móc. Có thể thấy, để có thể chế biến nông sản, trong đó có xoài, vai trò của máy móc, của công nghệ là thực sự cần thiết.
Thời gian trước, khi giá xoài xuống thấp, chuyện tiêu thụ là điều cực kỳ khó khăn. Còn hiện nay, khi các doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư công nghệ, máy móc vào khâu chế biến, tất cả đã được giải quyết. Mỗi ngày doanh nghiệp giúp bà con tiêu thụ đến 4 tấn xoài tươi.
"Cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về mua sắm thiết bị, máy móc tiên tiến hoặc làm cầu nối để doanh nghiệp chúng tôi kết hợp được với vùng trồng", ông Huỳnh Thanh Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp, cho hay.
Thu hoạch xoài ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). (Ảnh: TTXVN)
"Đến nay đã có 4 nhà máy và bắt đầu đưa vào khởi động 2 nhà máy, bên cạnh đó 4 doanh nghiệp khởi nghiệp đã chế biến sản phẩm rau củ quả, trong có xoài để xuất khẩu vào những thị trường Đông Âu, Mỹ, Nhật Bản...", ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thông tin.
Nhờ công nghệ và máy móc, trái xoài Đồng Tháp đã được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng như: sấy dẻo, sấy khô, cắt hạt lựu, cắt má cắm que, kem, hay phân khúc cao hơn là nước ép, mứt phục vụ cho các nhà hàng lớn và xuất khẩu. Hay đơn giản, công nghệ khí trơ có thể giúp giữ trái lâu hơn.
"Cấp đông có thể bảo quản được 6 tháng đến 1 năm, để mình vượt qua hàng rào vận chuyển. Thứ hai là sử dụng trái mùa", ông Huỳnh Hữu Lộc, Giám đốc Công ty Xoài Hòa Lộc RR, cho biết.
Cùng với đó, quy hoạch vùng trồng, sản lượng, phân chia phân khúc cho từng thị trường.
"Thứ nhất, chúng ta vận chuyển bằng đường tươi, bán giá trị cao. Loại thứ hai là chúng ta có thể tiêu thụ nội địa. Loại thứ ba là đưa vào chế biến", ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay.
Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 sẽ ứng dụng đồng bộ công nghệ sau thu hoạch vào ngành hàng xoài, trong đó chú trọng các khâu như vận chuyển, rửa, đóng gói, tăng chất lượng trái, giảm tổn thất sau thu hoạch ít nhất 20% và thời gian bảo quản có thể kéo dài đến 2 tháng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!