Theo số liệu năm 2022, chỉ riêng tuyến Metro 1, tuyến Metro 2 và tuyến Metro 5 - giai đoạn 1, thành phố đã huy động được hơn 6,5 tỷ USD từ vốn vay ODA, tương đương 25% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Vẫn còn khoảng 75% nhu cầu vốn cần tiếp tục huy động.
TP Hồ Chí Minh đề xuất Trung ương cho phép thành phố thực hiện thu hồi đất dự án tổng thể toàn hệ thống đường sắt đô thị và dự án phát triển đô thị vùng phụ cận các nhà ga để thực hiện mô hình TOD. Dự kiến sẽ thu được 40 tỷ USD từ nguồn này và một phần sẽ dùng để đầu tư cho tuyến Metro.
Với dân số cơ học tăng cao, mô hình đô thị TOD - đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng như tuyến Metro số 1- đang là một giải pháp giúp TP Hồ Chí Minh giải bài toán đô thị nén, kéo dãn dân cư ra khỏi nội đô vốn đã quá đông đúc. Ngoài ra, nếu áp dụng được mô hình TOD cho các dự án trọng điểm của thành phố thì sẽ giải được bài toán về nguồn vốn.
Theo các chuyên gia, với một lượng lớn các công trình giao thông hạ tầng phải thực hiện việc quy hoạch, khai thác, TP Hồ Chí Minh sẽ khó lòng tận dụng khoảng thời gian 5 năm của Nghị quyết 98 để giải quyết bài toán thiếu vốn bằng mô hình TOD. Tuy nhiên, Thành phố đã đặt ra 2 lộ trình. Lộ trình 1 là trước năm 2025, thành phố sẽ đặt trọng tâm ưu tiên khai thác 640 hecta trong giai đoạn này.
Hiện quỹ đất dành cho thực hiện mô hình TOD ở giai đoạn đầu đã có sẵn và đang chờ bắt tay vào triển khai. Với một mô hình mới như mô hình TOD, càng bắt nhịp sớm càng tốt, giúp TP Hồ Chí Minh chủ động thực hiện sớm quy hoạch theo mô hình TOD cho các dự án sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!