Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh COVID-19.
Trong bối cảnh này, Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có những đề xuất nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Vốn và thuế?
Theo đó, tìm vốn để duy trì hoạt động sản xuất là khó khăn hàng đầu đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay. Trước thực tế này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020 theo hướng cho phép cơ cấu nợ vay, giãn nợ đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021, không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12 năm nay. Đồng thời, đề xuất Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm từ 3 - 5% lãi suất cho vay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất nhiều giải pháp về cơ cấu nợ vay, giãn nợ, giảm thuế...
Về thuế, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị Bộ Tài chính xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép giảm 50% thuế VAT năm 2021, đối với các doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng nặng nề như: hàng không, khách sạn, nhà hàng. Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất các địa phương giảm thuế VAT về 0% trong 6 tháng cho các doanh nghiệp vận tải, giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ôtô đăng ký mới.
Ngoài 2 đề xuất chính về vốn và thuế, cũng có một số đề xuất đáng chú ý khác như: Cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các hãng bay, giảm mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, hỗ trợ dừng đóng bảo hiểm xã hội…
Đúng và trúng?
Hiện các doanh nghiệp đều hết sức trông chờ các hỗ trợ sớm nhất, vơi bớt các khó khăn đang gặp phải. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thêm những mong muốn riêng, tùy lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, để sử dụng hiệu quả các ưu đãi, các doanh nghiệp cũng cần có những chiến lược tính toán kỹ lưỡng, dài hạn cho quá trình phục hồi sau đại dịch. Đặc biệt là giải pháp xin gia hạn thuế.
Các doanh nghiệp vận tải chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19
Như tại một doanh nghiệp vận tải, hai năm ròng rã chịu ảnh hưởng của COVID-19, với 200 đầu xe kinh doanh vận tải hoạt động cầm chừng, công ty này có lúc tê liệt vì tuyến đường dịch vụ nằm trong vùng dịch, hay phát sinh chi phí xét nghiệm COVID-19 cho các lái xe. Đang rục rịch trở lại, thì lại gặp ngay đợt bùng dịch lần thứ tư, và để duy trì cầm cự doanh nghiệp, họ rất cần "máy trợ thở" từ phía Chính phủ.
"Như tôi được biết, doanh nghiệp vận tải nước ngoài họ chỉ chịu lãi suất 3% thôi. Trong khi đó lãi suất như công ty chúng tôi đang chi trả 10-11% cho các món vay trung và dài hạn", bà Nguyễn Thị Hiền - Phòng Kinh doanh Dịch vụ Vận Tải - Tổng Công ty Du lịch và Thương mại Sông Hồng cho biết.
Còn như tại doanh nghiệp dệt may, do đặc thù nhiều lao động, họ cũng rất mong muốn các giải pháp hỗ trợ sẽ được triển khai ngay, kịp thời, tránh việc kéo dài thời gian, ảnh hưởng tới hiệu quả của chính sách.
"Chúng tôi xin giãn hoãn nợ, xin tiếp tục giảm lãi suất khoảng 5%. Bên cạnh đó, chúng tôi đề xuất các tỉnh trong giai đoạn hiện nay không nên tăng tiền sử dụng đất", ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 đề xuất.
Giãn, hoãn nộp thuế là giải pháp đã từng được áp dụng vào năm ngoái, và tiếp tục được đề xuất thực hiện trong năm nay. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình huống. Vì bản chất của hình thức là này là "giãn", tức là cho nợ tạm thời, lùi thời hạn nộp chứ không phải miễn giảm một phần hoặc hoàn toàn. Nghĩa là sẽ cộng dồn các nghĩa vụ thuế vào cuối năm.
"Nếu các doanh nghiệp mà nhìn thấy cơ hội kinh doanh về mặt dài hạn trong khi vẫn cần duy trì hoạt độ sản xuất kinh doanh ở thời điểm như hiện nay hoặc cầm cự hay duy trì ở mức độ nào đó mà lại khó khăn về dòng tiền. Đối với doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ nếu không có thể bị chuyển dồn vào một thời điểm nào đó, ví dụ như cuối năm", ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.
5 tháng đầu năm nay, cả nước có tới 59,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong bối cảnh hiện nay, mỗi doanh nghiệp, mỗi lĩnh vực đều gặp khó khăn riêng. Tuy nhiên, trong nguồn lực ngân sách hạn chế, một số ý kiến cho rằng, có một số nhóm doanh nghiệp cần được hỗ trợ cấp bách và kịp thời
"Khoanh vùng toạ độ ưu tiên để cứu nền kinh tế, như những doanh nghiệp đầu chuỗi, hay trung tâm kinh tế như TP Hồ Chí Minh, hay những cái nút phát triển kinh tế để tạo nên lan toả tốt hơn cho nền kinh tế khi đứng dậy sau dịch", PGS-TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
Trong khi TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội kỳ vọng việc cơ cấu nhóm nợ/khoanh vùng nợ sẽ kéo dài đến hết năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ vẫn kỳ vọng vào một gói chính sách hỗ trợ chung đồng bộ hơn để mở rộng nhiều đối tượng thụ hưởng hơn. Và điều quan trọng nhất đó là các chính sách hỗ trợ sẽ có hiệu lực ngay, với các thủ tục đơn giản, nhanh gọn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!