Hơn 1 tuần nay anh Thái (xã Gia Tân, Trảng Bom, Đồng Nai) đã cấp tốc giảm gần 40% đàn lợn nái của gia đình. Dù lỗ vốn nhưng anh Thái dự kiến anh sẽ tiếp tục giảm đàn từ 1.200 xuống 300 con do giá lợn đang giảm sâu. Giảm đàn cắt lỗ đang là giải pháp trước mắt của hàng triệu nông dân thời điểm này.
Còn với Công ty Hương Vĩnh Cửu - doanh nghiệp bình ổn chuyên thu mua giết mổ lợn thì giải pháp để tiếp tục duy trì kinh doanh là phải mở thêm kho lạnh để chứa 46 tấn thịt lợn chưa bán được, đợi các đầu mối là bếp ăn tập thể, bếp ăn công nhân hoạt động trở lại để cung ứng.
Theo các chuyên gia giải pháp giảm đàn, trữ đông lợn chỉ là giải pháp tạm thời. Về căn cơ vẫn cần áp dụng kỹ thuật cao để giảm chi phí đầu vào mới cạnh tranh được về giá thịt nhập khẩu đang bằng 60% thịt lợn nóng như hiện nay.
Thời gian này, giá lợn hơi đang giảm sâu. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
"Ngân hàng phải có gói tín dụng để hỗ trợ trong việc này. Ngoài ra, cần cho người nuôi vay vốn duy trì sản xuất đàn vật nuôi đang tồn tại để chủ động nguồn thực phẩm cho quý IV/2021 cũng như đầu năm 2022, đặc biệt là Tết Nguyên đán", ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.
Trước mắt, các doanh nghiệp phía Nam đang tăng khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng thịt lợn.
Về lâu dài, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt giá cả đầu vào, đảm bảo tính ổn định và hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm để giúp ngành chăn nuôi trong nước sớm khôi phục sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!