"Giải mã" sự bất thường của giá vàng trong nước

Theo VOV-Thứ năm, ngày 10/02/2022 07:23 GMT+7

VTV.vn - Ở Việt Nam, chỉ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được quyền nhập khẩu vàng, từ đó phân phối ra thị trường. Do đó, nguồn cung không dồi dào và đẩy giá mặt hàng này lên cao.

Giá vàng trong nước dù đã "hạ nhiệt" nhưng vẫn đang ở mức cao so với giá vàng thế giới. Hiện giá vàng SJC niêm yết ở mức 61,85 – 62,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) trong khi giá vàng thế giới giao dịch trên sàn Kitco ở mức 1.825,7 USD/oz (tương đương 50,34 triệu đồng/lượng). Như vậy, giá bán vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới khoảng 12,26 triệu đồng/lượng.

Đáng chú ý, chỉ trong 1 phiên giao dịch ngày 8/2, giá vàng trong nước bất ngờ lao dốc gần 1 triệu đồng mỗi lượng dù đã sát ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) khi lượng vàng mua vào thường ở mức cao.

Giải mã sự bất thường của giá vàng trong nước - Ảnh 1.

Giá vàng hiện đang ở mức cao. (Ảnh minh họa)

Theo nhận định của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng SJC giảm sâu gần 1 triệu đồng/lượng chỉ trong một ngày là điều bất thường. Mức chênh hơn 12 triệu đồng/lượng giữa giá trong nước và thế giới là quá cao. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, là do thị trường vàng Việt Nam không liên thông với thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ở Việt Nam chỉ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được quyền nhập khẩu vàng, từ đó phân phối ra thị trường. Do đó, nguồn cung không dồi dào và đẩy giá mặt hàng này lên cao. "Giá vàng sẽ lên xuống bất ổn trong thời gian này, vì vậy người dân không nên đầu cơ, "lướt sóng" vàng trong thời gian ngắn bởi thị trường vàng rất bất định, không thể biết được giá vàng lên xuống như thế nào", TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, giá vàng thế giới và Việt Nam chênh lệch cao tạo nguy cơ buôn lậu vàng vì giới buôn lậu mua rẻ trên thị trường nước ngoài và bán trong nước với giá cao.

Chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới lên tới hàng chục triệu đồng đã khiến nhiều người lo ngại tình trạng buôn lậu vàng vào Việt Nam. Bởi trước đây, khi chênh lệch này ở mức 4 triệu đồng/lượng thì tình trạng thẩm lậu vàng đã khá phức tạp. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều người tỏ ra sốt ruột khi tình trạng vàng trong nước đắt hơn vàng thế giới quá lớn nhưng các cơ quan quản lý, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước lại không có động thái mạnh mẽ nào.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Nghị định 24 đi vào cuộc sống thấy rằng đem lại lợi ích cho nền kinh tế ở cả góc độ vi mô và vĩ mô, ở góc độ vĩ mô là giá vàng không "nhảy múa" như trước, làm ảnh hưởng chung đến giá cả hàng hoá, không ảnh hưởng đến giá của tỷ giá ngoại tệ, và tạo sự ổn định cho kinh tế vĩ mô.

Chính sách chống vàng hóa, đô la hóa của Chính phủ đã phát huy sự hiệu quả, khiến nền kinh tế không còn bị tác động nhiều bởi những đợt tăng giá vàng như trước, tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng khi đầu tư vàng, ngoại tệ để tránh những diễn biến khó lường.

Giải mã sự bất thường của giá vàng trong nước - Ảnh 2.

Khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới quá lớn, hiện ở mức hơn 12 triệu đồng mỗi lượng. (Ảnh minh họa: Kitco News)

Nắm chắc phần lỗ nếu mua vàng vào dịp vía Thần Tài

Trong những ngày gần đây, sự biến động của thị trường vàng trong nước sát ngày vía Thân Tài đang được dư luận quan tâm. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng. đầu tư vào vàng vào dịp lễ Thần Tài là điều vô lý. "Nếu mua vàng vì lý do tâm linh, mong Thần Tài phù hộ khi mua vàng vào ngày vía Thần Tài, thì đây là điều mê tín dị đoan, vì chẳng có tôn giáo nào dạy rằng có một vị thần ở đâu đó sẽ mang lại may mắn cho con người nếu con người mua vàng vào ngày vía của vị thần đó", ông Hiếu khẳng định.

Theo chuyên gia tài chính này, nếu mua vàng để đầu tư vào dịp lễ Thần Tài thì lại càng bất hợp lý hơn vì giá vàng thường bị đẩy lên cao và thông thường sẽ giảm sâu sau ngày đó. "Người mua vàng vào dịp vía Thần Tài hầu như nắm chắc phần lỗ. Lời chỉ đến với các tay đầu cơ vàng và các tiệm vàng bởi họ tung vàng ra bán trước và trong ngày Thần Tài với giá cao và hốt (mua) vàng về sau ngày Thần Tài với giá rẻ", ông Hiếu khuyến cáo.

Theo đánh giá của giới kinh doanh vàng, giá vàng ngày vía Thần Tài năm nay có thể tiếp tục duy trì ở mức cao nhưng sẽ không tăng "sốc" như mọi năm bởi thị trường đã có bước "chạy đà" từ cách đó khá lâu, khoảng 3 tháng trước đó. Khoảng cách giá mua - bán vàng giãn rộng hơn bình thường. Động thái nới rộng chênh lệch giá mua vào - bán ra của các đơn vị kinh doanh vàng được cho là đẩy rủi ro về phía người mua.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyên người tiêu dùng và nhà đầu tư cần cẩn trọng trong giai đoạn giá vàng biến động mạnh như hiện nay. "Hãy để dành tiền để đầu tư vào tài sản khác thay vì mua vàng trong ngày vía Thần Tài để lấy may", ông Hiếu nói.

Vẫn có dự báo "sốc" về giá vàng

Theo nhận định của Wells Fargo, vàng có thể sẽ chứng kiến đợt tăng giá mạnh trong năm 2022. Sau khi kết thúc năm 2021 với mức giảm 3,6%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2015, vàng đang tìm kiếm một cuộc phục hồi đột phá hướng tới mức cao kỷ lục mới, Wells Fargo cho biết.

Nhà phân tích chiến lược đầu tư Austin Pickle của Wells Fargo đã chỉ ra một số xu hướng ngược lại đối với giá vàng trong năm ngoái là tâm lý chấp nhận rủi ro lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ, đồng USD cao hơn và ý kiến ​​cho rằng lạm phát tăng cao chỉ là nhất thời.

"Lợi nhuận từ tài sản rủi ro có thể cao hơn với sự biến động cao hơn trong năm nay, điều này có thể thúc đẩy sự quay trở lại nơi trú ẩn an toàn là vàng", chuyên gia Austin Pickle nhấn mạnh.

Những thay đổi kinh tế vĩ mô có khả năng khuyến khích mua vàng nhiều hơn trong suốt cả năm 2022. Dự báo, ​​giá vàng có thể đạt mức đỉnh từ 2.000 - 2.100 USD/oz vào cuối năm nay, nhà phân tích chiến lược đầu tư Austin Pickle của Wells Fargo nêu quan điểm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước