Ông đánh giá thế nào về động thái của các công ty tài chính lớn của Hàn Quốc liên tiếp tham gia thị trường Việt Nam qua M&A thời gian gần đây?
Ông Kim Han Yong: Gần đây, xu hướng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam được chuyển dịch đa ngành nghề, không còn tập trung vào may mặc, sản xuất - các ngành Hàn Quốc gặp khó khăn vì thiếu nguồn nhân lực. Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam từ 7.000 sẽ lên đến 9.000 doanh nghiệp. Các tập đoàn tài chính - ngân hàng, chứng khoán của Hàn Quốc như những vệ tinh đi theo để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp này là một hệ quả tất yếu.
Ngoài ra, người Hàn không thích giữ tiền mặt, họ thích đưa tiền cho các định chế tài chính để tiếp tục đầu tư phát triển. Độ tín nhiệm của người dân với các đơn vị này tại Hàn Quốc là rất cao, cũng là một điều để Việt Nam học hỏi. Tuy nhiên, nền kinh tế Hàn Quốc đang tăng trưởng ngày càng chậm, tỷ suất lợi nhuận không còn nhiều. Trong khi đó, Việt Nam lại đang phát triển rất nhanh và năng động, tiềm năng là rất lớn.
Ông Kim Han Yong - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu Mỹ - Triều tiến đến một thỏa thuận có lợi, dòng vốn Hàn Quốc sẽ có xu hướng chuyển dịch về Triều Tiên, ông đánh giá thế nào?
Ông Kim Han Yong: Tôi thực sự không nghĩ như vậy. Hàn Quốc và Triều Tiên chia cách đến nay đã hơn 65 năm. Vì vậy, tư duy cũng như khác biệt về nền kinh tế là rất lớn. Cho dù ổn định về chính trị nhưng để có thể hợp tác về mặt kinh tế, tôi nghĩ Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn cần rất nhiều thời gian. Ngược lại, Việt Nam và Hàn Quốc có rất nhiều điểm tương đồng từ tư duy Nho giáo cho đến định hướng phát triển nền kinh tế thị trường, tự do thương mại. Nếu Mỹ - Triều đi đến được một thỏa thuận, Hàn Quốc ổn định hơn về mặt chính trị, thậm chí tôi đánh giá dòng vốn của các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đổ về Việt Nam còn nhiều hơn.
Thời gian tới, Việt Nam cần cải thiện những gì để tiếp tục trở thành lựa chọn đầu tư số 1 cho Hàn Quốc?
Ông Kim Han Yong: Việt Nam luôn là điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp Hàn Quốc vì lực lượng lao động trẻ và hiệu quả. Tuy nhiên, độ tín nhiệm của doanh nghiệp Hàn Quốc với Chính phủ Việt Nam cần được cải thiện. Việt Nam cần đảm bảo các giấy tờ/giấy phép ban hành vì các doanh nghiệp Hàn vẫn gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục hành chính. Được hỗ trợ bởi chính sách, thể chế minh bạch, có điều kiện phát triển kinh doanh toàn diện, mỗi doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại đây sẽ trở thành Đại sứ để quảng bá cho môi trường đầu tư Việt Nam.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!