Giảm 2% thuế VAT - Một mũi tên trúng nhiều đích

Minh Khang-Thứ hai, ngày 10/06/2024 12:13 GMT+7

VTV.vn - Việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) không chỉ kích thích tiêu dùng mà còn là động lực giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024

Chính sách giảm thuế VAT hiện hành sẽ kết thúc vào tháng 6/2024. Để tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế VAT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024.

Theo đề xuất của Chính phủ, việc giảm 2% thuế VAT sẽ áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%). Trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, nhiều loại hàng hóa sẽ tiếp tục được giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024.

Tác dụng kép

Tính toán cho thấy, nếu áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT cho 6 tháng cuối năm 2024, ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng. GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, dù khiến thu ngân sách bị hao hụt, song đây là giải pháp hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện tại.

Theo ông Hoàng Văn Cường, cầu trong nước đang giảm xuống ở mức rất thấp, trong khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường rất nhiều. Điều này dẫn tới các nguồn lực để thanh toán cho đầu tư, tiêu dùng đều giảm. Do đó, việc giảm thuế, giảm thuế môi trường, giãn hoãn nhiều loại thuế, phí giúp cho gánh nặng chi phí của doanh nghiệp, người dân giảm xuống. Từ đó kích thích cầu tiêu dùng trong nước tăng lên, kích thích doanh nghiệp tập trung nguồn lực sản xuất, từ đó đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB đánh giá, trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, chi tiêu tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2024. “Thay vì chính sách tiền tệ, chuyên gia của ADB khuyến nghị, cần thêm các chính sách kích thích tăng trưởng, ví dụ như chính sách tài khóa. Do đó nên tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế VAT hàng thiết yếu nội địa để tăng nhu cầu chi tiêu”, ông Hùng cho biết.

Giảm 2% thuế VAT -  Một mũi tên trúng nhiều đích - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi

Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43 cho thấy, chính sách giảm 2% thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã được quy định cụ thể) đạt được kết quả tích cực. Người dân được hưởng số tiền thuế từ chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) lên tới 44.458 tỉ đồng. Đồng thời, việc áp dụng chính sách này còn góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện lạm phát, giá cả và chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao.

Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, việc kéo dài các chính sách tài khóa, giãn hoãn nợ, giảm thuế, phí, trong đó có giảm thuế VAT sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng tiêu dùng, xuất khẩu. "Chính sách này rất tối ưu vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đây không đơn thuần là giảm thuế mà là Nhà nước chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp", bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đánh giá.

Cho ý kiến tại Quốc hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho hay, chính sách giảm thuế VAT 2% cho doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả cao do biện pháp này dựa trên các thủ tục thuế sẵn có. Nhưng việc giảm thuế VAT cũng đã gặp một số trở ngại khi phân loại hàng hóa nào quy định thuế VAT 8%, và loại hàng hóa nào là 10%. Nếu được quy định lại, gói giảm thuế VAT nên giảm đồng loạt xuống 8% sẽ tốt hơn.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có cùng quan điểm này. Theo VCCI, nhiều doanh nghiệp đang gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ phải thuê thêm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Đã có trường hợp doanh nghiệp thực hiện các gói thầu xây lắp phát sinh tranh chấp với đối tác khi quyết toán chỉ vì hai bên có quan điểm khác nhau về mức thuế suất.

“Chính sách giảm 2% thuế VAT có tác dụng kép, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” - theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước