Sáng 25/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Tại tổ Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ đồng tình với chính sách giảm 2% thuế (giá trị gia tăng) VAT của Chính phủ đề xuất.
Đại biểu nêu trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế đang suy giảm, việc giảm thuế sẽ khuyến khích tăng cầu, trước hết là tăng cầu tiêu dùng, mỗi một người dân đều được hưởng lợi, sau đó tăng được số lượng hàng hóa tiêu thụ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển.
"Khi doanh nghiệp phục hồi, phát triển sẽ tạo ra nguồn thu để bù đắp cho phần ngân sách thiếu hụt", đại biểu Cường nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất nên để mở thời gian giảm 2% thế VAT thay vì đến cuối năm 2023
Song đại biểu Cường cho rằng việc áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% trong thời gian 6 tháng là quá ngắn khi mà mốc tháng 12 là thời điểm quyết toán ngân sách năm. Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị trong dự thảo Nghị quyết nên có đoạn mở là "có thể tiếp tục kéo dài".
Đại biểu lấy dẫn chứng chính sách về giãn, hoãn, miễn các khoản thu ngân sách như thuế, tiền thuê đất thực hiện trong năm 2022, do không có đoạn mở nên hết năm 2022 phải dừng lại, nhưng đến tháng 6/2023 lại đề nghị tiếp tục thực hiện, như vậy sẽ bị ngắt quãng, không còn hiệu quả.
"Tôi cho rằng nên để mở, tùy theo tình hình đến giai đoạn đó Chính phủ có thể sẽ đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục kéo dài", đại biểu đề xuất.
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho biết, ông tán thành việc tiếp tục có những giải pháp, chính sách để thúc đẩy kinh tế - xã hội trước những dự báo khó khăn, thách thức trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Trần Chí Cường cho rằng, việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) chỉ từ 1/7 – 31/12/2023, thời gian quá ngắn, khó tạo thuận lợi và hanh thông trong triển khai thực hiện chính sách.
"Việc dự kiến giảm khoảng 24.000 tỉ đồng khi giảm 2% thuế VAT, theo tôi chỉ dừng lại ở mức tiêu thụ bình thường; nhưng nếu giảm thuế mà kích cầu được tiêu dùng thì nguồn thu từ 8% từ VAT có thể tăng nguồn thu ngân sách.
Nếu chúng ta chỉ thực hiện giảm thuế trong 6 tháng cuối năm sẽ không chủ động được cho bài toán thu chi ngân sách của năm 2024 và năm tiếp theo. Do vậy, đề nghị cần có thời gian để chính sách đi vào cuộc sống, có thể kéo dài đến năm 2024", đại biểu đoàn Đà Nẵng đề nghị.
Đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng)
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) lại đề xuất thay vì chỉ dừng lại ở mức giảm 2% thuế VAT, việc giảm thuế xuống tiếp 3-5% sẽ hỗ trợ rất lớn cho người dân và doanh nghiệp
"Thị trường hiện tại rất cần có những chính sách kích cầu để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nếu doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng lên thì thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng, thu nhập cá nhân cũng tăng lên, từ đó cũng thu được thêm thuế cho ngân sách nhà nước", ông Vân cho biết.
Theo tờ trình, để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Đề xuất giảm thuế này không áp dụng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại báo cáo thẩm tra việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 43, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí về thời gian áp dụng chính sách giảm thuế VAT là từ ngày 1/7 - 31/12/2023.
Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!