Cuối tuần trước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thừa uỷ quyền Thủ tướng đã ký Nghị định 103 quy định mức thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước. Theo đó, từ 1/12 năm nay đến 31/5 năm sau, lệ phí trước bạ nộp lần đầu với ô tô, rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50%. Từ 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ trở về mức cũ. Cũng như năm ngoái, đây là chính sách được thị trường kỳ vọng, tạo dư địa cho các doanh nghiệp mạnh dạn đưa ra các khuyến mãi kích cầu tiêu dùng, thậm chí là khuyến mãi ngay từ trước khi chính sách có hiệu lực.
Giảm phí trước bạ làm "nóng" thị trường xe cuối năm
Sau hơn 1 tháng chờ đợi, chỉ vài ngày nữa anh Nguyễn Mạnh Hùng ở quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội sẽ có thể mang chiếc ô tô đã mua đi đăng ký. Chính sách giảm lệ phí trước bạ được thông qua, đã giúp anh và gia đình tiết kiệm được gần 70 triệu đồng.
Anh Hùng chia sẻ: "Đây là một con số tương đối lớn, tôi nghĩ đây là một tin rất hấp dẫn với gia đình, cá nhân hay doanh nghiệp có nhu cầu mua xe. Chính sách này rất tốt và kích cầu kịp thời trong cuối năm".
Một số cái tên như Hyundai, Mercedes, Toyota, Mazda, KIA sẽ được hưởng lợi lớn từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ khi có từ 4 - 8 mẫu xe đang sản xuất, lắp ráp tại trong nước. Tại một số showroom, vào dịp cuối tuần vừa rồi, ngay sau khi chính sách có hiệu lực, lượng khách hàng qua showroom xem xe và đặt cọc đã tăng thêm 50-60% so với thông thường.
Ông Nguyễn Quang Thao, Giám đốc đại lý Huyndai Lê Văn Lương, cho biết: "Với các khách hàng đã ký hợp đồng rồi, chính sách đó người ta đã mong chờ từ rất lâu, khách hàng đã thông báo ngược lại với đại lý về kế hoạch nhận xe ngay khi chính sách có hiệu lực, dự kiến sang tháng 12 họ sẽ quay trở lại nhận xe rất nhiều".
Còn về phía các doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu, dù không được hưởng chính sách ưu đãi, nhưng để duy trì sức cạnh tranh, cũng buộc phải tung ra các chương trình khuyến mãi tương tự, đặc biệt là với các mẫu xe độc quyền.
Ông Lương Đình Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ASC Group, nói: "Chắc chắn các hãng xe nhập khẩu cũng tìm cách để hỗ trợ khách hàng, mặc dù có thể không rõ ràng như 50% nhưng chắc chắn là sẽ có, thị trường sẽ hào hứng hơn và người tiêu dùng sẽ được khuyến khích mua ô tô nhiều hơn".
Các showroom hiện đang tất bật chuẩn bị bàn giao, hỗ trợ đăng ký xe cho rất nhiều khách hàng đã đặt cọc trước đó. Giới kinh doanh dự báo, thị trường ô tô trong 2 tháng cuối năm âm lịch sẽ sôi động, doanh số đạt khoảng gần 400.000 xe.
Đó là góc độ thị trường tiêu dùng, còn từ góc độ sản xuất, đây cũng chính là cơ hội cho các hãng xe sản xuất, lắp ráp trong nước để gia tăng lợi thế cạnh tranh so với các dòng xe nhập khẩu, vốn vẫn áp đảo từ trước tới nay.
Nếu tính riêng 10 tháng, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là gần 130.000 xe, tăng tới 61% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi dung lượng thị trường Việt Nam vốn vẫn rất hạn chế so với nhiều quốc gia khác trong khu vực, trong đó, nổi bật là xe nhập khẩu từ Thái Lan, chiếm tới quá bán tổng lượng xe nhập khẩu của Việt Nam, sau đó là tới Indonesia. Đây cũng là những quốc gia hiện có nền công nghiệp hỗ trợ vượt trội so với chúng ta.
Tỷ lệ nội địa hóa của xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước còn thấp so với khu vực
Mỗi chiếc xe ô tô có tới khoảng 30.000 linh kiện với mức độ phức tạp đa dạng, có thể chia làm 4 lớp. Thứ nhất là những linh kiện cồng kềnh hoặc cần nhiều nhân công như ghế, hay bộ dây điện. Lớp thứ 2 là các linh kiện thép và nhựa ép chất lượng cao. Thứ 3 là toàn bộ thân vỏ xe và các linh kiện điện tử. Cuối cùng là động cơ và hộp số, được ví như trái tim của chiếc xe. Toàn bộ 3 lớp khó hơn Việt Nam đều phải nhập khẩu, thậm chí lớp thô sơ nhất là lớp đầu tiên thì 1 phần cũng phải nhập khẩu.
So với các quốc gia như Thái Lan, hay Indonesia chỉ phải nhập khẩu có 10% linh kiện sản xuất oto trong nước, con số 85% của Việt Nam phần nào nói lên khoảng cách giữa doanh nghiệp nội địa và các FDI đầu chuỗi.
Giảm phí trước bạ được đánh giá là chính sách hỗ trợ đặc thù và có phù hợp vào mùa mua sắm cuối năm. Nhìn xa hơn, 1 hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ vẫn là nhân tố then chốt được kỳ vọng sẽ giúp ngành sản xuất ô tô nói riêng và công nghiệp hỗ trợ nước nhà nói chung có thể cạnh tranh được với các quốc gia khác trong khu vực.
Bà Trần Thu Thuý, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí HTMP Việt Nam nói: "Họ chỉ định chúng tôi mua nguyên vật liệu của các nhà cung cấp đó. Các nhà cung cấp đó lại là các công ty thuương mại, lại không sản xuất trực tiếp. Vì thế để chứng minh được miễn thuế ô tô lại mâu thuẫn. Công ty thương mại lại không sản xuát mà công ty sản xuất lại không nhập về".
Bà Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho biết: "Khung chính sách hiện giờ đầy đủ rồi, nhưng thực thi hoá hiện thực hơn để tận dụng nhiều hơn thì FDI hưởng lợi nhiều hơn doanh nghiệp Việt".
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, nhận định: "Ngành công nghiệp hỗ trợ chúng ta đi sau các nước khác khoảng thời gian tương đối dài. Để các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, Nhà nước cần hỗ trợ tín dụng, chính sách quảng bá sản phẩm, phát triển sản phẩm".
Chính sách phí trước bạ lần này, được kỳ vọng sẽ giúp không chỉ người tiêu dùng, doanh nghiệp, mà ngay cả ngân sách cũng sẽ hưởng lợi bởi như năm ngoái, khi áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ vào nửa cuối năm, số thu lệ phí trước bạ theo chính sách giảm 7.300 tỷ đồng, nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước tăng hơn 14.100 tỷ đồng. Tương tự, một hành lang pháp lý minh bạch, thống nhất, đặc biệt là với các dự án luật Công nghiệp hỗ trợ và Luật phát triển Công nghiệp hiện đang được Bộ Công Thương soạn thảo, xây dựng, sẽ giúp ngành sản xuất nước nhà có những bước tiến vượt bậc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!