Nhanh chóng triển khai giảm tiền thuê đất
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 25 về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023. Đối tượng được giảm là tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp, dưới hình thức trả tiền hàng năm. So với mọi năm, đối tượng năm nay thu hẹp hơn, khi không áp dụng cho trường hợp thuê mặt nước.
Ngay sau khi có Quyết định 25, Tổng cục Thuế đã ban hành Công điện số 08 về việc hướng dẫn tổ chức, thực hiện việc giảm tiền thuê đất.
"Yêu cầu thực hiện tuyên truyền chính sách này trên các phương tiện thông tin đại chúng, email gửi doanh nghiệp, đăng trên trang thông tin của Cục Thuế để người nộp thuế nắm bắt nhanh nhất. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng sẵn sàng nhận hồ sơ và kiểm tra hồ sơ trong 30 ngày để ban hành quyết định giảm cho các đối tượng được giảm", bà Hoàng Thị Hà Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, cho biết.
Số tiền thuê đất dự kiến được miễn, giảm của năm nay là 3.500 tỷ đồng.
Giảm tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Chính sách giảm tiền thuê đất đã được Chính phủ ban hành liên tục từ năm 2020. Kết quả thực hiện giảm tiền thuê đất trong năm 2020 là khoảng 354 tỷ đồng; trong 2 năm 2021, 2022 là 3.500 tỷ đồng mỗi năm.
Trao đổi với VTVMoney, các doanh nghiệp bày tỏ sự vui mừng vì đây là chính sách cắt giảm trực tiếp chi phí cố định cho doanh nghiệp, gỡ khó cho họ về mặt dòng tiền.
Số tiền thuê đất dự kiến được miễn, giảm của năm nay là 3.500 tỷ đồng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, khách sạn, tiền thuê đất thường chiếm 20 - 30% tổng chi phí cố định hàng năm. Do vậy, các doanh nghiệp rất hoan nghênh, vui mừng trước chính sách mới của Chính phủ. Đây là động lực để họ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đây không phải là lần đầu tiên khách sạn được hưởng chính sách giảm tiền thuê đất. Năm nay, doanh nghiệp dự kiến sẽ tiết kiệm được gần 2 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để tái cơ cấu, đầu tư cơ sở vật chất.
"Cho tôi được bày tỏ sự mừng vui trước chính sách giảm tiền thuê đất. Được giảm tiền thuê đất đã đỡ đần chi phí cố định hàng năm. Chúng tôi sẽ dùng để cải tạo, nâng cấp dịch vụ của khách sạn; thứ hai là đào tạo lại cán bộ công nhân viên để ngay lập tức quay trở lại phục vụ đón khách", bà Lê Giang, Giám đốc khách sạn Hòa Bình, TP Hà Nội, chia sẻ.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 711 doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, một trong những đối tượng được hưởng chính sách giảm tiền thuê đất. Trong suốt hơn 3 năm nhận hỗ trợ, các doanh nghiệp đang từng bước phục hồi, đến nay lượng đơn hàng đã ổn định, đảm bảo đời sống cho hơn 170.00 công nhân lao động.
"Với chính sách này, sau khi nhà nước ban hành, các doanh nghiệp tiếp cận rất nhanh. Ngay sau khi có Quyết định 25, Ban quản lý Khu công nghiệp chúng tôi đã đăng tải công khai thông tin quyết định giảm tiền thuê đất trên trang web và thông tin đến tất cả các doanh nghiệp áp dụng", ông Trần Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, cho hay.
Trong nhiều chính sách, gói hỗ trợ doanh nghiệp từ sau đại dịch COVID-19, việc giảm thuế, phí, trong đó có giảm tiền thuê đất, được doanh nghiệp đánh giá rất cao. Bởi nó có thể đi nhanh vào thực tế, hỗ trợ trực tiếp về dòng tiền cho người thụ hưởng.
"Chính sách giảm thuế, phí được các doanh nghiệp đánh giá rất cao. Bởi nhóm chính sách này đi nhanh vào thực tế, thường không phải qua các khâu triển khai, thực hiện vốn mất nhiều thời gian, có thể cũng không hiệu quả. Thứ hai là nó mang lại lợi ích trực tiếp, theo ngôn ngữ dân dã là "tiền tươi thóc thật" nên doanh nghiệp tiếp cận rất dễ dàng, công bằng, minh bạch", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định.
Hồ sơ để được giảm tiền thuê đất cũng đơn giản, bao gồm: Giấy đề nghị giảm tiền thuê đất năm 2023, Quyết định cho thuê đất, hoặc Hợp đồng thuê đất, hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Thời gian để cơ quan thuế nhận hồ sơ là trong khoảng từ 20/11 năm nay đến hết ngày 31/3 năm sau.
Cắt giảm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp
Các chuyên gia cho rằng, tinh thần chung trong thời gian tới là cần đồng bộ các chính sách theo hướng cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thông qua việc giảm nghĩa vụ tài chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Theo Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong 9 tháng đầu năm ước khoảng 152.500 tỷ đồng; trong đó miễn, giảm khoảng 49.600 tỷ đồng. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng những chính sách này sẽ tiếp tục được duy trì trong các năm tiếp theo.
"Chúng ta có chương trình giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2023, nhưng tôi cho rằng có thể cân nhắc để tiếp tục giảm trong năm 2024, hay chương trình giảm tiền thuê đất. Chúng ta có nhiều biện pháp có thể giảm chi phí khác như cắt giảm thủ tục hành chính, giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết.
"Kinh phí công đoàn tương đương khoản đóng góp 2% quỹ tiền lương, 1% do doanh nghiệp, 1% là người lao động. Có những doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất trong bối cảnh khó khăn như vậy, mà họ vẫn phải đảm bảo chăm lo, giữ chân người lao động thì nên chăng cho họ khoảng thời gian 1 - 2 năm được giữ khoản tiền đó, không nộp cho công đoàn cấp trên nữa", bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho hay.
Cải cách thủ tục hành chính cũng là giải pháp được tính đến để tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ trong lĩnh vực hải quan, theo tính toán, chỉ cần giảm 10% tỷ lệ luồng vàng (hàng hóa phải kiểm tra hồ sơ chứng từ, không kiểm tra chi tiết), sẽ giúp cắt giảm 440.000 bộ hồ sơ hải quan phải xử lý, qua đó tiết kiệm hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp, từ việc giảm chi phí lưu kho bãi, đi lại.
"Trên 95% tổng số tờ khai xuất nhập khẩu doanh nghiệp không phải tiếp xúc và làm việc trực tuyến với công chức hải quan; chỉ cần liên hệ với kinh doanh cảng, hãng tàu để làm thủ tục nhận hàng, qua đó tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan, thời gian giải phóng hàng, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan với doanh nghiệp, góp phần hạn chế tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu trong quá trình thực hiện thủ tục Hải quan", ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục giám sát, quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan, thông tin.
Giảm thời gian thông quan bằng cách chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng tỷ lệ tờ khai luồng xanh, giảm tỷ lệ tờ khai luồng vàng và đỏ. Đây là đích mà ngành hải quan đang nhắm đến để tạo mọi điều kiện tối đa cho hơn 80.000 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hiện nay.
Tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính cũng là nội dung nằm trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9 và Công điện số 644 của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng yêu cầu những tháng cuối năm, các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính trọng tâm đang là rào cản, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Mới đây nhất, Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát để trình Quốc hội việc kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) thêm 6 tháng, tới giữa năm 2024. Cùng với việc thực hiện đồng loạt các chính sách cắt giảm chi phí, doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ có thêm động lực để hồi phục và tăng trưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!