Gian nan tìm lao động đi biển, ngư dân bị lừa tiền

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 30/12/2016 15:48 GMT+7

VTV.vn - Ít thì vài triệu, nhiều thì lên đến hàng trăm triệu đồng - đó là những khoản tiền ngư dân đã bị lừa mất trong lúc tìm kiếm lao động đi biển.

Đây không phải là chuyện mới, các bản tin thời sự của VTV đã nhiều lần đề cập, nhưng vào lúc này, khi bước vào vụ cá mới, tình trạng ngư dân khi thuê lao động đi biển bị lừa mất tiền, đã lặp lại. Bản chất của sự việc chính ở chỗ vùng biển hiện nay đang thiếu trầm trọng lao động đi biển mà để giải quyết thì cần những cách làm phù hợp hơn.

Ông Hoàng Vui, chủ tàu cá PY 92412 tính sơ bộ, đã bị lừa mất 200 triệu đồng trong vòng 5-6 năm trở lại đây, khi lao động biển ngày càng khan hiếm.

Để có lao động đi biển mà ngư dân vẫn gọi là bạn thuyền, ông Vui đã phải ngược xuôi đến nhiều vùng, đặt tiền trước cho từng bạn thuyền. Tiền đã đưa ra nhưng đến ngày đi biển, bạn thuyền thì chẳng thấy đâu.

Mỗi tàu cá khai thác xa bờ cần đến 10 lao động trong một chuyến biển kéo dài từ 20 ngày đến 1 tháng. Chỉ cần thiếu 1-2 lao động, cho dù tàu cá đã chuẩn bị hết mọi phí tổn thì vẫn buộc phải neo bờ. Cũng vì thế, cứ đến chuyến biển, các chủ tàu ráo riết tìm kiếm bạn thuyền. Trước chuyến biển, chủ tàu phải cho gia đình bạn thuyền ứng trước tiền. Hiếm hoi lắm, giữa chủ tàu và bạn thuyền mới viết những tờ giấy cam kết như thế này. Nhưng rất nhiều trường hợp, dù đã cam kết giấy tờ, bạn thuyền đã lấy tiền mà không đi biển, chủ tàu cũng đành chịu.

Khan hiếm lao động đi biển đã khiến cho nhiều ngư dân không mạnh dạn mở biển bởi hiện nay, tiền thuê mướn lao động đi biển đã đội chi phí chuyến biển lên đến trên 30%. Và như vậy, chuyến biển khó có lãi. Ngược lại, khi chuyến biển không có lãi thì lại càng không thu hút người đi biển. Thu nhập của lao động đi biển chiếm một nửa số tiền bán cá, sau khi trừ chi phí.

Dự báo đến năm 2020, dân số vùng ven biển sẽ tăng lên khoảng 30 triệu người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động khoảng 19 triệu người. Nhưng, cùng với đó, sự dịch chuyển lao động từ vùng biển sang các đô thị sẽ càng gay gắt.

Như vậy, thực tế thiếu hụt lao động biển không có nghĩa ở vùng biển thiếu lao động mà chính ở chỗ sức hút từ nghề biển đối với người lao động ngày càng giảm sút. Thu nhập ổn định cùng với sự gắn kết chặt chẽ giữa chủ tàu với người lao động, mới chính là cách để từng bước giải quyết khan hiếm lao động đi biển.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước