Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, cộng với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng giảm liên tục, gần đây nhiều nhà đầu tư đã chọn mua nhà đất, với hy vọng sinh lời nhanh và bảo toàn dòng vốn.
Tuy nhiên, lợi dùng tâm lý này, một số dự án đã sốt đất, tăng giá và bắt đầu xuất hiện những cam kết, thỏa thuận mới, trong đó có hình thức lập vi bằng. Tức giữa người mua và người bán sẽ được văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng nhưng vi bằng này chỉ ghi nhận việc giao tiền, giao nhận giấy tờ, không chứng nhận việc mua bán nhà đất.
Tại một số dự án, vi bằng đang được xem như một cách để xác nhận hoạt động mua bán nhà đất, với số tiền lên hàng tỷ đồng. Theo các chuyên gia, đây là hình thức lách luật, không có giá trị pháp lý và giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.
Tại một số dự án, vi bằng đang được xem như một cách để xác nhận hoạt động mua bán nhà đất, với số tiền lên hàng tỷ đồng. Ảnh minh hoak - Dân trí.
Chỉ trong một thời gian ngắn, những lô đất vốn từ lâu không ai hỏi mua nhưng hiện nay bị đẩy giá từ 67 triệu - 70 triệu đồng/m2. Mức giá này cao gấp đôi so với 1 số dự án ngay cạnh đó. Giá cao nhưng theo các môi giới, nếu không mua nhanh cũng không có hàng.
Theo tìm hiểu của phóng viên VTV, dự án Kim Chung - Di Trạch đang được giao dịch dưới 2 hình thức. Nếu nhà đầu tư mua hàng từ đơn vị phân phối sẽ đặt cọc 200 triệu đồng/lô đất. Sau 7 ngày, khách hàng phải nộp đủ 50% tiền đất, tương đương vài tỷ đồng/1 lô nhưng khách hàng sẽ chỉ có hợp đồng góp vốn.
"Dự án bán hạ tầng chưa làm xong nên là mình phải ký hợp đồng góp vốn", môi giới đất giải thích.
Còn nếu khách hàng mua lại những lô đất từ những người mua khác, khách hàng sẽ giao dịch dưới hình thức lập vi bằng thỏa thuận góp vốn. Sau đó lên văn phòng chủ đầu tư làm xác nhận việc chuyển nhượng thỏa thuận này. Thực tế đã có những nhà đầu tư lựa chọn hình thức vi bằng.
Giao dịch BĐS bằng vi bằng là hình thức lách luật, không có giá trị pháp lý. Ảnh minh họa - Dân trí.
Theo các nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường, chỉ khi có hợp đồng mua bán, dự án mới đầy đủ về mặt pháp lý. Còn hợp đồng góp vốn và vi bằng đều khó đảm bảo an toàn cho người mua.
"Bản chất của vi bằng là ghi nhận một sự kiện pháp lý có thật trong cuộc sống. Sự thật pháp lý này chỉ có giá trị chứng cứ trước tòa, không có giá trị thực thi như một văn bản công chứng. Họ chỉ ghi nhận là trao tiền cho nhau thôi, không ghi nhận việc mua bán đó đã hoàn thành", ông Ngô Hồng Tuấn - nhà đầu tư nói.
Ngoài hợp đồng vi bằng, trên thị trường bất động sản thời gian qua liên tục xuất hiện các hình thức kêu gọi vốn từ nhà đầu tư như huy động trái phiếu lãi suất cao ngất ngưởng, có thể cao gấp 3 lãi suất gửi ngân hàng, hay các hợp đồng ký quỹ 3 bên.
Các chuyên gia đưa ra cảnh báo, người mua nên thận trọng trong các giao dịch, tránh tâm lý sốt ruột, dẫn tới việc các môi giới đầu cơ, thổi giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!