Hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo Nghị quyết 33 của Chính phủ đã được triển khai thời gian qua. Trong đó, nhiều ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất huy động và cho vay được cho là yếu tố quan trọng khiến số lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý I/2023 tăng trên 192% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phân khúc này so với quý IV năm ngoái còn tăng trưởng ấn tượng hơn với 270%. Đây là những con số cho thấy thị trường bắt đầu có dấu hiệu ấm trở lại khi khách hàng quan tâm đến phân khúc nhà ở riêng lẻ, nhà đất thổ cư với nhiều giao dịch đã được chốt thành công.
Quý I/2023, thị trường bất động sản cả nước đã có trên 106.400 giao dịch thành công, trong đó có 39.000 giao dịch chung cư, nhà ở riêng lẻ; trên 67.200 giao dịch đất nền.
Số lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý I vừa qua tăng trên 192% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa.
Còn phân khúc căn hộ chung cư trung, cao cấp, nhà ở thương mại mở bán với số lượng ít và chỉ tập trung ở một số tỉnh, thành phố lớn. Lượng giao dịch ở phân khúc này khá khiêm tốn và chủ yếu là những giao dịch của người có nhu cầu ở thực. Không còn tình trạng mua bán giao dịch lướt sóng.
Hiện thị trường đã có sự tự điều chỉnh nguồn cung các phân khúc nhà. Số lượng tìm kiếm và giao dịch trên các sàn giao dịch bất động sản đã dần tăng lên từ cuối quý I.
Thị trường bất động sản ấm hơn sau nhiều giải pháp của Chính phủ
Thị trường bất động sản được đánh giá là đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực với lượng giao dịch thành công tăng dần ở phân khúc nhà đất riêng lẻ, nhà đất thổ cư. Các phân khúc nhà đang có sự điều chỉnh cả về số lượng và mức giá.
Nhà đất riêng lẻ, nhà đất thổ cư tại TP Hà Nội đã giảm giá từ 3 - 5% so với năm ngoái. Thậm chí, nhiều nơi còn giảm tới 10% so với thời điểm sốt đất. Theo đại diện một số sàn giao dịch bất động sản, số lượng giao dịch thành công chủ yếu ở mức giá dưới 5 tỷ đồng. Sau gần 1 năm "đóng băng", giá nhà đất riêng lẻ, nhà đất thổ cư đã có sự điều chỉnh hợp lý hơn với nhiều người dân.
Ông Nguyễn Tiến Hiệp - Chủ tịch HĐQT Sàn giao dịch Bất động sản Nhà phố đánh giá: "Nhà ở và nhà phố là nhu cầu rất lớn của người sử dụng trực tiếp, tức người tiêu dùng bất động sản cuối cùng. Nhu cầu này nó rất lớn và tạo ra dòng luân chuyển trong thị trường ấm trở lại".
Sau hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, thị trường bất động sản đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Ảnh minh họa.
Thị trường cũng ghi nhận tín hiệu sau khi các giải pháp gỡ khó cho thị trường theo Nghị quyết 33 của Chính phủ được triển khai; lãi suất cho vay của các ngân hàng có xu hướng giảm theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhu cầu mua nhà để đầu tư cũng đang dần được kích thích trở lại.
"Em sẽ đầu tư vào phân khúc nhà đất là phân khúc đang bắt đáy. Do các hộ dân họ muốn bán nhà thì kinh tế của họ cũng tương đối là yếu, nên giá họ bán ra theo nghiên cứu của em cũng tương đối là rẻ. Còn phân khúc chung cư thì thanh khoản kém hơn. Đầu tư vào các phân khúc đấy giá sẽ có khả năng tăng hơn nhiều sau một vài năm tới", anh Nguyễn Phan Huy - số 192 Thái Thịnh, Hà Nội cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: "Chúng tôi đánh giá là đến khoảng quý III khi đó mới có những nguồn hàng, nhất là những nguồn hàng đáp ứng được cái nhu cầu của phần lớn của thị trường, của người dân. Chúng tôi cho rằng lúc đó mới có sự hồi sinh ổn định và đến cuối năm có lẽ nó sẽ được cải thiện tốt hơn so với cái thời điểm hiện tại".
Nhu cầu mua nhà trong phạm vi tài chính dưới 5 tỷ đồng và đặc biệt nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà cho người thu nhập thấp hiện rất lớn nhưng tất cả vẫn đang chờ nguồn cung từ thị trường.
Dự báo, nhanh nhất cũng phải tới cuối năm, khi các dự án đã hấp thụ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, dòng vốn tín dụng 120 nghìn tỷ đồng đã được đẩy vào phân khúc nhà ở xã hội, các dự án bắt đầu có nguồn cung sản phẩm khi đó thị trường mới có sự luân chuyển ổn định, các dấu hiệu phục hồi sẽ rõ nét hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!