Hợp đồng tương lai cho phép người nông dân ký trước thỏa thuận, bán sản phẩm với mức giá ấn định, nhờ đó giảm thiểu thiệt hại khi thị trường biến động, giá cả sụt giảm mạnh. Mô hình này hiện đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần hỗ trợ người nông dân và bình ổn thị trường.
Tại Mỹ, ngay từ năm 1966, sàn giao dịch hàng hóa Chicago đã giới thiệu hợp đồng tương lai thịt lợn và sau đó thay thế bằng hợp đồng tương lai thịt lợn nạc vào năm 1996. Mô hình này đã được chấp nhận rộng rãi bởi nông dân, doanh nghiệp và các hiệp hội nông nghiệp, bởi có thể giảm thiểu rủi ro thua lỗ do biến động giá đối với người chăn nuôi.
Tại liên minh châu Âu (EU), mô hình này cũng được áp dụng để bình ổn thị trường. Năm 2009, sàn giao dịch Eurex tại Frankfurt, Đức đã bắt đầu cung cấp các hợp đồng tương lai đối với thịt lợn. Kể từ đó, lượng giao dịch luôn tăng trưởng ổn định, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu rủi ro với người nông dân.
Còn tại châu Á, sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE), Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh tốc độ triển khai hợp đồng tương lai cho lợn sống, trong bối cảnh giá thịt lợn liên tục tăng mạnh do dịch tả lợn châu Phi. DCE cho biết, hợp đồng tương lai sẽ cung cấp những tín hiệu giá và công cụ quản lý rủi ro hiệu quả trong bối cảnh môi trường kinh tế có nhiều thay đổi, ảnh hưởng tới hoạt động chăn nuôi sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!