Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực ngân hàng diễn ra trong tuần tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ đem lại những giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản đang trầm lắng.
Báo Lao động dẫn số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản đến hết tháng 3 năm ngoái là gần 784 nghìn tỉ đồng, đến hết năm lên 800.000 tỷ đồng… Như vậy, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản vẫn tăng và chỉ chậm lại vào thời điểm cuối năm khi nhiều doanh nghiệp bất động sản "dính án" trái phiếu và các ngân hàng cạn "room" tín dụng.
Trong văn bản gửi Thủ tướng và Ngân hàng nhà nước hồi cuối năm ngoái, Hiệp hội Kinh doanh bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà rất khó tiếp cận vốn vay.
Sau kiến nghị này, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ với các địa phương tháng 1.2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, từ đó gỡ nút thắt khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bất động sản "kêu trời" vì nghẽn tín dụng
Về thực trạng của bất động sản hiện nay có thể tóm tắt như sau: Thị trường đang gặp khó khăn lớn từ 2 phía là doanh nghiệp lẫn người mua. Phía doanh nghiệp là khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, khó phát hành trái phiếu và huy động vốn (Theo báo Thanh niên).
Nhiều tờ báo cùng dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu thông báo: Doanh nghiệp thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trọng "chết trên đống tài sản". Còn về phía người dân, ngày càng nhiều trường hợp người mua xin thanh lý hợp đồng, trả lại hàng vì chưa thu xếp được vốn vay ngân hàng theo tiến độ.
Còn về phía các ngân hàng đều khẳng định: Ngân hàng không "siết" tín dụng bất động sản. Những số liệu thống kê cho thấy một thực tế là ngành ngân hàng đang "ưu ái" cho các doanh nghiệp bất động sản.
Bất động sản chỉ là 1 trong số gần 1.600 ngành nghề đăng ký kinh doanh nhưng chiếm tới 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Ngân hàng không "siết " tín dụng bất động sản
Tại hội nghị, lãnh đạo Ngân hàng nhà nước đưa ra thông điệp rất rõ ràng: Sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp cung ứng vốn cho lĩnh vực bất động sản, nhưng cũng không quên nhắc các ngân hàng thương mại cần tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn.
Đến thời điểm này, tín dụng cho vay bất động sản lên tới ngưỡng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Theo phân tích của tờ báo Tiền phong, thị trường bất động sản hiện nay là hệ luỵ của tăng trưởng nóng khi doanh nghiệp "thổi phồng" giá trị dự án, từ đó dẫn đến hậu quả vay nợ lớn, hình thành "bong bóng" bất động sản, buộc ngân hàng phải "ngắt van" tín dụng.
Bất động sản bất động. Nhiều doanh nghiệp bất động sản ngồi trên đống của nhưng lại không có tiền. Đó là thực tế nhưng cứu thế nào? Tháo gỡ cơ chế, hay mở van tín dụng dành gói ưu đãi đều không có câu trả lời cụ thể ngay lúc này. Lý do là nếu nhóm này được cơ cấu nợ thì các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác sẽ như thế nào bởi việc áp dụng cơ chế đặc thù sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng và minh bạch.
Tờ Tiền phong bình luận: Vấn đề của bất động sản là câu chuyện của thị trường thì nên để thị trường tự điều tiết. Các doanh nghiệp nên bán bớt tài sản, giảm giá thật để cân đối tài chính, nói cách khác là doanh nghiệp nên tự cứu mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!