Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1360 ngày 13/12/2023 về việc tăng cường các giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án công nghệ thông tin, cơ sở pháp lý, tăng cường chất lượng của thị trường, làm sạch dữ liệu và đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư cá nhân.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong thời gian sớm nhất nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Một trong những nút thắt lớn nhất khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng là vấn đề bù trù thanh toán cho nhà đầu tư ngoại.
Để nhà đầu tư ngoại yên tâm hơn khi đem một lượng tiền lớn giao dịch cổ phiếu tại Việt Nam, họ cần có ngân hàng thương mại vào làm thành viên bù trừ theo mô hình thanh toán CCP.
Tuy nhiên nhiều năm nay, một trong những quyết định cần thiết để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng vẫn đang bị bỏ ngỏ, do chưa có sự chung tay của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2025 là đến thời hạn cho cam kết thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn thành mục tiêu nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Một giải pháp kỹ thuật Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nỗ lực triển khai là để công ty chứng khoán ký quỹ cho nhà đầu tư ngoại.
Hiện nay, Việt Nam đang yêu cầu thanh toán theo cơ chế Prefunding (Ký quỹ tiền trước vào ngày T+0 và chờ nhận cổ phiếu về vào T+2), tuy nhiên theo thông lệ quốc tế là Delivery vs Payment (hàng đổi tiền, cổ phiếu về tài khoản lúc nào, lúc đó mới đưa tiền).
Vậy trong ngày mua T+0 đó, công ty chứng khoán được đề xuất là bên sẽ đứng ra ứng tiền trước để nhà đầu tư mua cổ phiếu và khi cổ phiếu về tài khoản vào ngày T+2, công ty chứng khoán và nhà đầu tư ngoại sẽ thực hiện trao đổi tiền, hàng.
"Cũng cần những ngân hàng giám sát và xử lý trong trường hợp nhà đầu tư ngoại không trả tiền khi cổ phiếu về. Tôi nghĩ cần có thêm một khoản tiền mặt chiếm khoảng 20% giá trị mua cần được giữ tại ngân hàng giám sát để phòng rủi ro trên. Tất nhiên tôi nghĩ với nhà đầu tư tổ chức, rủi ro "bùng mua" ít có thể xảy ra", ông Tsuyoshi Imai, Tổng Giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Nhật Bản, đánh giá.
Một nút thắt lớn cũng cần tháo gỡ để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam là giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
Giải pháp được một nước láng giềng Thái Lan sử dụng rất hiệu quả là NVDR (chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết), cho phép nhà đầu tư ngoại mua thêm cổ phần nhưng không có quyền biểu quyết, doanh nghiệp trong nước không lo việc mất tỷ lệ chi phối.
Sản phẩm được đón nhận rất tốt và góp phần giúp thị trường chứng khoán Thái Lan nâng hạng lên thị trường mới nổi.
NVDR cũng đã được Việt Nam định danh trong Luật Doanh nghiệp từ đầu năm 2021, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
"Nếu Việt Nam thấy giải pháp này khó thì hãy làm một danh sách cập nhật các ngành ở doanh nghiệp chịu hạn chế sở hữu nước ngoài. Tại sao phải hạn chế cả một ngành trong khi mục tiêu là chỉ tránh một số doanh nghiệp bị sở hữu nước ngoài nhiều. Tôi không thấy đây thực sự là một vấn đề khó giải quyết", ông Petri Deryng, Quản lý quỹ Pyn Elite Fund, nhận định.
"Trong thời gian tới chúng tôi sẽ sửa đổi Nghị định 155 hướng dẫn Luật Chứng khoán theo hướng nâng cao chất lượng các hàng hóa được cung cấp trên thị trường, ví dụ chất lượng hoạt động chào bán, công bố thông tin minh bạch, chất lượng quản trị công ty, đặc biệt là vấn đề giám sát xử lý các vi phạm trên thị trường sẽ được gia tăng. Đó là một trong những tiền đề quan trọng để nâng hạng thị trường trong thời gian tới", bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết.
Năm 2025 là đến thời hạn cho cam kết thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn thành mục tiêu nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi. Giải pháp đã có nhưng điều còn thiếu là sự chung tay của các bộ, ban, ngành liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!