Gói 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm vì thiếu nguồn cung nhà ở

Thuỳ An-Thứ hai, ngày 06/11/2023 11:43 GMT+7

VTV.vn - Gói 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân mới giải ngân được 105 tỷ đồng cho 3 dự án tại 3 địa phương.

Sáng 6/11, Quốc hội tiến hành chất vấn các các Bộ trưởng xoay quanh lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế hoạch và đầu tư. Với nội dung này, có 113 đại biểu đăng ký tham gia chất vấn.

Điều kiện để vay mua nhà còn bất cập

Tham gia chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) đặt vấn đề về phát triển nhà ở xã hội, và gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng với loại hình nhà ở này. Nhu cầu lớn như hiện giải ngân gói này thấp, chỉ khoảng 100 tỷ đồng.

"Vướng mắc và giải pháp để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới là gì?", bà Hương đặt vấn đề.

Đại biểu đoàn An Giang cũng đặt câu hỏi về giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với người thu nhập thấp, công nhân với mục tiêu có 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới 2030. Nguồn tiền cho gói tín dụng này đến từ nguồn huy động tín dụng trong dân, với lãi suất ưu đãi từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia.

Theo bà Hồng, khi chính sách này được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn các ngân hàng và đề nghị UBND các tỉnh quan tâm, công bố dự án thuộc chương trình cho vay.

Các ngân hàng cũng đưa ra quy trình nội bộ để triển khai gói tín dụng này. Hiện có 18/63 UBND tỉnh, thành gửi văn bản công bố dự án tham gia chương trình, 53 dự án với nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng. Tính tới cuối tháng 10/2023, các ngân hàng đã giải ngân được 105 tỷ đồng cho 3 dự án tại 3 địa phương.

Thống đốc cho biết, giải ngân còn hạn chế là do nguồn cung nhà thuộc đối tượng hạn chế. "Nhu cầu nhà ở lớn, nhưng nhu cầu vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kỹ", bà Hồng nói.

Gói 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm vì thiếu nguồn cung nhà ở - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn Quốc hội sáng 6/11

Bên cạnh đó, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội còn bất cập, như quy định về thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở... Theo bà Hồng, gói vay này thực hiện 10 năm, trong khi cho vay bất động sản thường kéo dài và giải ngân theo thời gian, nên đạt thấp.

"Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị, mong UBND tỉnh sớm công bố các dự án thuộc chương trình để các ngân hàng triển khai; và phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh thực hiện", Thống đốc nhấn mạnh.

Rút tiền qua máy ATM giảm

Về thanh toán không dùng tiền mặt, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có nhiều giải pháp được đưa ra, như rà soát hành lang pháp lý, sửa đổi, bổ sung, tạo thuận lợi cho việc này.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, tỉ lệ giao dịch tăng 49% số lượng, giao dịch qua Internet tăng 60,3%; kênh điện thoại di động tăng gần 61%, qua QRCode 105%... Trong khi đó, giao dịch qua ATM (rút tiền qua ATM) giảm. Những chỉ dấu này cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng.

"Do thói quen, tâm lý dùng tiền mặt tại nông thôn, vùng sâu, xa và tâm lý e ngại của người dân về rủi ro trong thanh toán", bà Hồng nói và cho biết thời gian tới ngân hàng sẽ rà soát, cùng các cơ quan hoàn thiện hành lang pháp lý, phòng ngừa và đảm bảo an ninh, quyền lợi người dân.

Gói 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm vì thiếu nguồn cung nhà ở - Ảnh 2.

Rút tiền qua máy ATM giảm mạnh

Chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng

Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) đặt câu hỏi về nguyên nhân và các giải pháp để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 14% như đã đề ra.

Với nội dung này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp là do cầu về tín dụng. Số đơn hàng doanh nghiệp giảm sút. Người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Về nguồn cung tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung tín dụng.

"Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, đồng thời đưa ra một số kiến nghị với các bộ, các ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa", bà Hồng cho biết.

Về điều hành tăng trưởng tín dụng tiến tới xóa bỏ hạn mức, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là một trong các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, kết hợp với các công cụ chính sách khác.

"Trên thực tế, Ngân hàng nhà nước điều hành bám sát theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ. Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, có thể thấy trong điều kiện hiện nay, chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Trước đó, ngày 3/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối tượng được gói 120.000 tỷ đồng là chủ đầu tư đầu tư dự án, khách hàng là người mua nhà ở tại dự án.

Nguyên tắc cho vay là khách hàng phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại Chương trình này 1 lần để mua 1 căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định, mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại Chương trình này 1 lần.

Thời hạn giải ngân của Chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm 2030.

Thời gian ưu đãi, đối với chủ đầu tư áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu.

Đối với người mua nhà, áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu.

Đặc biệt, lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm; lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với người mua nhà là 8,2%/năm.

Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 06 tháng, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi là do ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và được xác định rõ hoặc nêu rõ cách xác định tại thỏa thuận cho vay ký kết giữa ngân hàng và khách hàng


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước