“Gồng gánh” chi phí, doanh nghiệp vẫn giảm giá sâu kích cầu cuối năm

Chinh Vũ-Thứ sáu, ngày 12/11/2021 11:08 GMT+7

VTV.vn - Trước ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch thứ 4 lên sức mua sắm của người dân, mức khuyến mãi, giảm giá trên thương mại điện tử đang được đẩy cao hơn so với mọi năm.

Ngày 11/11 vài năm trở lại đây được giới kinh doanh thương mại điện tử xem là dịp để khuyến mãi, kích cầu lớn nhất trong năm. Riêng năm nay, trước ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch thứ 4 lên sức mua sắm của người dân, mức khuyến mãi, giảm giá trên thương mại điện tử đang được đẩy cao hơn gấp rưỡi so với mọi năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng khi các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh chuẩn bị cho phép khuyến mãi kịch trần.

Những năm trước, mức khuyến mãi phổ biến trên thương mại điện tử vào dịp cuối năm là từ 20 - 30% (cứ mua từ 3 - 5 món hàng sẽ được khuyến mãi 1). Tuy nhiên năm nay, để kích cầu, mức khuyến mãi được đẩy lên mức 50%, nghĩa là cứ mua 2, sẽ được khuyến mãi 1. Một số doanh nghiệp cho biết, nếu được phép, thì họ sẵn sàng khuyến mãi 100% trong các chương trình khuyến mãi tập trung.

Ghi nhận giao dịch trong ngày 11/11 năm nay, Tiki cho biết số lượng đơn hàng trong buổi sáng tăng gần gấp đôi so với dịp khuyến mãi tháng trước. Còn trong 2 giờ đầu tiên, doanh thu toàn sàn Lazada cũng tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2020. Shopee thông báo đã có 11 triệu sản phẩm được bán ra trong 5 phút đầu của sự kiện.

“Gồng gánh” chi phí, doanh nghiệp vẫn giảm giá sâu kích cầu cuối năm - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Sự tác động của dịch bệnh giúp thúc đẩy nhu cầu ở các danh mục thực phẩm, nhu yếu phẩm. Nền tảng thương mại điện tử cần phải thích ứng, phối hợp thực hiện hóa các chiến lược bán lẻ sáng tạo, nhằm thu hút khách hàng và tăng cường hiện diện trực tuyến của thương hiệu, nhà bán hàng", Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết.

Điểm mới là các ngân hàng, ví điện tử cũng tham gia khuyến mãi nhiều hơn trong dịp này, thậm chí đưa ra dịch vụ cho vay mua hàng khuyến mãi trước trả sau trên nền tảng công nghệ để phù hợp hơn với nhu cầu người dân sau dịch.

Một số sàn cho rằng, sức mua các ngành hàng giá trị cao bị sụt giảm khá nhiều so với trước, kể cả ở thành phố lớn. Sàn phải bỏ thêm chi phí khuyến mãi kích cầu, lại đang chịu mức chi phí vận hành tăng 20 - 30% do khó khăn trong giao vận, lực lượng lao động hậu giãn cách.

"Khi khó khăn như hiện nay, mình phải đồng hành với đơn vị vận chuyển. Chi phí để trả cho một đơn hàng giao đến tay khách cũng phải tăng lên. Mình phải sử dụng nhiều dịch vụ "express" - giao hàng nhanh để đảm bảo việc khơi thông dòng hàng nhanh, đương nhiên chi phí sẽ tăng lên", ông Nguyễn Ngọc Trang, Giám đốc Trung tâm Ngành hàng, Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ, chia sẻ.

Áp lực chi phí tăng được đánh giá sẽ ảnh hưởng đến các chợ trực tuyến, ít nhất là trong ngắn hạn. Doanh nghiệp cho rằng đây là khoản chi cần thiết để kích cầu hiệu quả trong thời điểm quan trọng như mùa lễ hội cuối năm và Tết sắp đến.

Doanh nghiệp linh hoạt phục hồi sản xuất trong tình hình mới Doanh nghiệp linh hoạt phục hồi sản xuất trong tình hình mới

VTV.vn - Những thay đổi từ Nghị quyết 128 đã giúp tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 khởi sắc. Hoạt động sản xuất của nhiều DN đang từng bước trở lại trạng thái bình thường mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước