Ảnh minh họa.
Dù đã lên tiếng xin lỗi, nhưng việc kiểm soát lỏng lẻo mảng nội dung đã là đòn giáng mạnh vào doanh thu của Google.
Sau chính phủ Anh và các tập đoàn hàng đầu tại xứ sở sương mù, hai nhà mạng AT&T, Verizon, hãng cho thuê ô tô Enterprise và công ty dược phẩm GSK là những cái tên tiếp theo trong làn sóng hơn 250 công ty và tập đoàn tên tuổi rút hàng triệu USD quảng cáo phí tìm kiếm khỏi Google.
Sự tẩy chay này là rạn nứt mới nhất giữa các doanh nghiệp và gã khổng lồ dịch vụ trong tìm kiếm Google.
"Quảng cáo tự động dựa vào thói quen truy cập của khách hàng là một vấn đề lớn. Bởi có nguy cơ cao là quảng cáo sẽ xuất hiện trong các môi trường bạo lực, khiêu dâm, cực đoan và không an toàn khác chính bởi khối lượng và tốc độ truy cập tự động khổng lồ hiện nay" - ông Hicham Felter, Cơ quan đại diện các nhà quảng cáo lớn tại Anh, cho biết.
Trong bối cảnh hãng này tìm cách trấn an các thương hiệu rằng tiền quảng cáo của họ không đủ về túi các nhóm khủng bố, trên thực tế, việc để quảng cáo của các thương hiệu lớn trên thế giới bị đặt cạnh các video có nội dung độc hại trên YouTube đã giúp đem lại nguồn thu không nhỏ cho những người đăng tải các đoạn video này.
Phản ứng trước làn sóng tẩy chay từ các doanh nghiệp, Google cam kết sẽ siết chặt việc kiểm duyệt nội dung và nơi hiển thị quảng cáo để bảo vệ tốt hơn thương hiệu của khách hàng.
"Chúng ta đang nói đến khối lượng nội dung kéo dài tới 400 tiếng đồng hồ, được đăng tải lên YouTube mỗi phút và hàng nghìn trang web được đưa vào hệ thống nhận diện quảng cáo mỗi ngày. Nhờ điện thoại thông minh, ai cũng có thể kiếm tiền từ việc đăng tải nội dung lên mạng. Chúng tôi sẽ cải thiện các chính sách, sự kiểm soát cũng như thực hiện kiểm duyệt, để ngành công nghiệp quảng cáo trên mạng trở nên an toàn hơn" - ông Matt Brittin, Chủ tịch Google khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi, cho biết.
Google hiện là cái tên thống trị trong mảng quảng cáo online toàn cầu, khi mà chỉ tính riêng năm 2016, 90% tổng doanh thu của hãng đến từ hoạt động quảng cáo. Do đó, bê bối này không chỉ ảnh hưởng tới cổ phiếu và túi tiền của Google, mà nó còn là lời cảnh báo với các hãng công nghệ khác đang cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo như Facebook, Twitter, Alibaba và Snapchat.
Mới đây nhất, Đức là quốc gia đầu tiên tuyên bố sẽ phạt nặng các tập đoàn và mạng xã hội, nếu vẫn tiếp tục thất bại trong công việc kiểm duyệt và xử lý nội dung độc hại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!