Hà Nội cấm xe máy, thu thêm phí ô tô: Phí chồng phí?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 05/06/2017 09:45 GMT+7

VTV.vn - Đề xuất cấm xe máy vào năm 2030, thu thêm phí ô tô vào nội thành của UBND TP Hà Nội là một trong những chủ đề được các báo đặc biệt quan tâm.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đề xuất cấm xe máy trong khu vực nội thành vào năm 2030. Còn đối với ô tô, sẽ phải lắp đặt thêm thiết bị trả phí tự động khi lưu hành trong khu vực nội thành.

Chia sẻ trên tờ Lao động, các chuyên gia đều đồng tình với chủ trương này, phù hợp với các điển hình quốc tế. Tuy nhiên, cách thức thực hiện còn nhiều vướng mắc. Bởi nếu cùng một lúc áp dụng thu nhiều loại phí trong hoàn cảnh điều kiện thu nhập người dân chưa cao có thể sẽ gây phản ứng trái chiều.

Các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ "phí chồng phí" khi Hà Nội đề xuất phụ thu phí môi trường với ô tô, trong khi các chủ xe đã phải gánh thuế, phí môi trường trong giá xăng, trong bối cảnh Bộ Tài chính hiện cũng đang đề xuất nới khung thuế môi trường. Trên tờ Lao động, một chuyên gia giao thông nhận định: "Cần cân nhắc hết sức thấu đáo, chứ không trăm thứ phí đổ đầu phương tiện thì sẽ gây phản ứng".

Chưa kể tới tính khả thi, bởi đề xuất thu phí đường bộ trước đây đã phải bỏ vì không thực hiện được. Còn về tính pháp lý, đại diện Cục Đăng kiểm đã chia sẻ trên báo Lao động, các trạm đăng kiểm có thể thu thêm phí môi trường cho ô tô, nhưng để thu được sẽ phải có sự chấp thuận của Bộ GTVT, Bộ Tài chính, thậm chí là cả Chính phủ, nghĩa là đề xuất của Hà Nội muốn thực hiện được cũng phải trải qua một hành trình rất dài.

Các nhận định trên tờ Tuổi trẻ lại quan tâm nhiều hơn tới thói quen, tập quán của người dân. Bởi xe máy đã gắn với mưu sinh của hàng triệu người, đặc biệt là các kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ. Tờ báo đưa ra một ví dụ: "Với hàng trăm nghìn con ngõ, ngách nhỏ và sâu hiện nay, nếu cấm xe máy thì làm cách nào để vận chuyển hàng hóa tới nơi?"

Rõ ràng, câu chuyện này còn liên quan tới vấn đề quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông công cộng. Theo TS. Nguyễn Quang Toản tại Đại học Giao thông Vận tải, hiện năng lực vận tải hành khách công cộng chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại, và tới năm 2030 phải nâng tỷ lệ này lên mức 50 - 60% mới có thể cấm xe máy được.

Do đó, vị tiến sĩ này đặt câu hỏi về tiến độ phát triển giao thông công cộng của Hà Nội: "Đơn cử như dự án đường sắt trên cao bị đội vốn và chậm tiến độ nhiều. Tới năm 2030, 5 tuyến đường sắt đô thị liệu đã thi công xong chưa?". Theo vị chuyên gia, nếu bỏ xe máy, cứ 500m cần phải có 1 trạm xe bus hoặc ga tàu điện. Vậy Hà Nội sẽ đảm bảo cân đối nguồn vốn, tiến độ và tính khả thi các dự án giao thông công cộng như thế nào?.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước