Mới đây, lãnh đạo TP. Hà Nội đã yêu cầu Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh tăng giá nước sạch. Một số chuyên gia cho rằng, với thu nhập đang dần được cải thiện, người dân sẽ quan tâm đến chất lượng nguồn nước nhiều hơn là giá cả, đặc biệt là sau sự cố nhiễm bẩn nguồn nước mới đây. Vì thế, bài toán đặt ra với Hà Nội là cần hoàn thiện quy hoạch cấp nước để người dân được sử dụng một loại hình dịch vụ công "đáng đồng tiền bát gạo".
Theo phân vùng phục vụ hiện tại của các nhà máy nước tại Hà Nội, các khu vực được quản lý, vận hành cung cấp nước sạch theo địa bàn 12 quận nội thành và các xã ven đô như sau: Nhà máy nước mặt (NMNM) sông Đuống đảm nhận cấp nước cho các quận, huyện khu vực phía Đông, phía Nam và Đông Nam thành phố bao gồm Huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh, Huyện Gia Lâm, 1 phần của quận Long Biên, 1 phần quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Huyện Thường tín, Huyện Phú Xuyên; NMNM sông Đà được chia khu vực giáp phía Tây Bắc của Hà Nội, bao gồm quận Thanh Xuân, quận Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì, v.v.; Công ty Nước sạch Hà Nội quản lý, cung cấp nước cho khu vực các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, 1 phần quận Hoàng Mai, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Long Biên, và một số xã lân cận.
Phân vùng phục vụ của các nhà máy nước tại Hà Nội hiện nay
Việc phân vùng cho từng đơn vị cung cấp sẽ giúp các nhà máy xác định được công suất khai thác nhằm tính toán phương án đầu tư công nghệ máy móc. Tuy nhiên, để có thể ứng cứu nước sạch trong trường hợp 1 nhà máy xảy ra sự cố thì Hà Nội cũng cần phải xây dựng một hệ thống mạch vòng kết nối. Theo ông Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, hệ thốngnày chính là "công trình kết nối giữa các hệ thống cung cấp", do đó, việc cấp thiết hiện nay là phải ưu tiên đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống mạch vòng song hành với việc xây dựng các mạng cấp nước nội bộ của từng nhà máy.
Hệ thống mạch vòng kết nối cần được ưu tiên đẩy nhanh hoàn thiện nhằm ứng cứu nước sạch khi có sự cố
Ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, quy hoạch nguồn cung sẽ được điều chỉnh theo hướng ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, trong đó có sông Đà, sông Đuống, sông Hồng và Xuân Mai, giảm dần nước ngầm để tăng chất lượng nước sạch cho người dân. TP. Hà Nội cũng đang yêu cầu các đơn vị cấp nước sử dụng nước ngầm rà soát xây dựng kế hoạch đóng dần các trạm nước ngầm sau khi các nhà máy nước mặt triển khai đầu tư xây dựng hoàn thành. Theo đó, các trạm nước ngầm sẽ dần được chuyển thành trạm tăng áp và trạm dự phòng để khi có sự cố trong hệ thống cấp nước thì có nguồn dự trữ để cung cấp cho người dân.
Cũng đại diện theo Sở xây dựng Hà Nội, đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô được đề xuất chia thành 5 khu vực chính gồm: Khu vực trung tâm và 4 khu vực phía Đông – Tây – Nam - Bắc. Đồ án hiện đã được HĐND Thành phố thông qua và đang trình Bộ Xây dựng thẩm định làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Như vậy, bên cạnh quy hoạch mạng lưới thì quy hoạch nguồn cung cũng sẽ góp phần hoàn thiện quy hoạch cấp nước để đảm bảo mục tiêu đến năm 2030, 100% dân cư của Thủ đô được dùng nước sạch với nhu cầu khoảng 2 triệu m3/ngày đêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!