Vành đai 3 là nơi tập trung nhiều hầm đi bộ nhất với 17 hầm nằm tại các đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển. Toàn Hà Nội hiện nay chỉ có hai hầm đi bộ tại Ngã Tư Sở và Bến xe Mỹ Đình có nhiều người qua lại. Các điểm hầm tại Big C, Mai Dịch, Bảo tàng Hà Nội hiện đang bị đóng cửa, thậm chí có những hầm xây dựng ba năm nay vẫn chưa xong và chưa bàn giao cho Sở Giao thông Hà Nội như tại Quốc lộ 32.
Chị Nguyễn Thị Thủy - Phường Phú Diễn - Quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội nói: “Xây dựng mãi không xong, bỏ không thế này tiền tỉ lãng phí quá, trong khi đó người dân vẫn phải đi tắt qua đường, rất nguy hiểm”.
‘ Hầm đi bộ tại Quốc lộ 32 sau ba năm vẫn chưa xây dựng xong.
Ông Trần Huy Ánh - Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng: “Tất cả mới chỉ là những tính toán trên bàn giấy còn chưa có một khảo sát xã hội nào như thói quen sử dụng hay văn hóa sử dụng của người dân”.
Cũng theo các chuyên gia về kiến trúc, một hầm chui đi bộ nhỏ nhất với chiều dài tối thiểu từ 5 - 7m qua đường cũng có giá trị đầu tư khoảng 10 tỉ VND. Nếu tính sơ sơ với 19 hầm chui đi bộ con số cũng lên tới gần 200 tỉ, mà đa số lại không được sử dụng nên số tiền lãng phí không hề nhỏ. Và như vậy, bài toán đặt ra hiện nay chính là việc làm sao để sử dụng hiệu quả hơn các hầm chui đã xây dựng.
Theo KTS Trần Huy Ánh, giải pháp kĩ thuật thì phù hợp, chỉ cần đặt ở đâu thì hiệu quả. Còn để phục hồi các hầm ấy thì phải đến các địa điểm hầm chui đi bộ đó hỏi người dân xem nhu cầu, mong muốn của họ ra sao để có hướng xử lý.
Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Hà Nội có ý kiến: “Thứ nhất cần tính toán thời điểm xây dựng nào là phù hợp. Thứ hai là công tác quản lý, giao cho đơn vị giao thông hay chính quyền địa phương quản lý thì phù hợp hơn. Thứ ba là phải tính đến việc đưa hầm đi bộ vào nhưng không phải chỉ là hầm đi bộ đơn thuần, mà phải là nơi giao tiếp sẽ hiệu quả hơn”.
Ngoài việc hầm đi bộ không được sử dụng hiệu quả, tại Hà Nội một số cầu vượt đi bộ cũng đang chưa được sử dụng hợp lý. Thậm chí, có những cầu vượt đi bộ tại ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh đã từng đập đi để nhường cho xây dựng cầu vượt cho xe cơ giới cũng là một bài học cho thấy sự thiếu tầm nhìn trong quy hoạch.