Hai tháng nay, anh Nguyễn Thành Công (thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) bỏ công ăn chuyện làm, chạy đi khắp nơi cầu cứu cơ quan chức năng can thiệp, đòi lại số tiền mà anh đã cho người quen mượn nhưng không trả. Hiện người vay cũng đã rời khỏi địa phương, không thể liên lạc được.
Tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, nhiều người dân cho vay tiền chủ yếu chỉ dựa vào niềm tin.
Theo lời anh Công, anh cho người này vay 500 triệu đồng vào đầu năm nay. Số tiền lớn nhưng tài sản thế chấp anh Công nhận được chỉ là tờ giấy viết tay.
"Người mượn tiền là bạn thân, tạo uy tín và lòng tin, lợi dụng danh nghĩa cơ quan để vay tiền", anh Phạm Thành Công chia sẻ.
Không chỉ riêng anh Công, nhiều người khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Sau thời gian dài, nhiều lần đến hẹn nhưng không đòi được nợ, khi biết con nợ đã mất khả năng chi trả, không ít người như ngồi trên đống lửa. Được biết, người vay đã huy động tổng số tiền gần 6 tỷ đồng.
Thực tế hiện nay, vay mượn tiền chỉ thỏa thuận bằng giấy tay không phải là hiếm gặp.
"Nghĩ là uy tín nên mình mới cho mượn, không có giấy tờ thế chấp, không công chứng gì, chỉ có giấy thỏa thuận giữa hai bên. Hiện điện thoại không liên lạc được, không biết số tiền đó có lấy lại được hay không. Mình đã mất ăn mất ngủ khoảng 2 tháng nay", anh Huỳnh Hữu Hoài An, cho biết.
Thực tế hiện nay, vay mượn tiền chỉ thỏa thuận bằng giấy tay không phải là hiếm gặp. Đa phần các trường hợp này xảy ra giữa những người quen biết nhau, phần vì tin tưởng vào uy tín cá nhân, phần vì bị thu hút bởi số tiền lãi mà người vay đưa ra nên nhiều người sẵn sàng "nhắm mắt đưa chân".
Một bên lợi dụng mối quan hệ quen biết, một bên bị hấp dẫn bởi mức lãi cao ngất được đưa ra. Các thỏa thuận vay nợ không cần xác lập cơ sở pháp lý cứ thế diễn ra và ngày càng có nhiều vụ vỡ nợ tiền tỷ cũng xuất phát từ nguyên nhân này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!