Hàng không loay hoay tìm cách tăng nội lực

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 14/02/2023 20:58 GMT+7

VTV.vn - Trong khi các DN kinh doanh trong vận chuyển hạ tầng phục hồi mạnh mẽ, các hãng hàng không vẫn gặp khó khăn do phải giải quyết những vấn đề bất lợi do dịch bệnh để lại.

Cùng với đó, giá nhiên liệu tăng đột biến đang là rào cản hàng đầu với đà phục hồi của doanh nghiệp.

Các kiến nghị cũng đã diễn ra trong các năm qua với khung giá dịch vụ hàng không trong bối cảnh chỉ cân đối được chi phí đã là bài toán khó với các hãng hàng không, chưa nói đến việc có lãi.

Vào tháng 6/2022, khi giá xăng dầu thế giới biến động, tăng cao, chi phí nhiên liệu chiếm tới 51% tổng chi phí của một hãng hàng không. Thời điểm hiện tại, tỷ lệ chi phí nhiên liệu đã giảm, nhưng vẫn chiếm khoảng 40%. Hệ lụy đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các hãng hàng không.

Hai hãng bay có tần suất chuyến lớn cũng như đường bay nhiều nhất Việt Nam là Vietnam Airlines Group đã lỗ lũy kế hơn 34.000 tỷ đồng.

Còn với VietJet Air, hợp nhất kết quả kinh doanh cả năm dù đạt hơn 39.000 tỷ đồng, nhưng vẫn lỗ gộp hơn 2.000 tỷ đồng. Trong giải trình kết quả kinh doanh cuối năm qua, hãng này cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét tháo dỡ giá trần và cho phép phụ thu xăng dầu.

Hàng không loay hoay tìm cách tăng nội lực - Ảnh 1.

Ngành hàng không vẫn đang loay hoay để tìm cách tăng nội lực. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Việc cho phép áp dụng phụ thu phí nhiên liệu trên các đường bay nội địa, miễn giảm các loại thuế, phí với nhiên liệu bay là cần thiết để giúp hãng hàng không trong nước có khả năng cân đối cung cầu và điều chỉnh giá vé", ông Michael Hickey, Phó Tổng Giám đốc khai thác Vietjet, cho biết.

Kịch bản tương tự cũng diễn ra với Bamboo Airways và Vietravel Airlines khi mức giá nhiên liệu liên tục biến động.

Các doanh nghiệp hàng không cho rằng, mức giá trần vé máy bay đang áp dụng trên đường bay nội địa là mức xây dựng từ năm 2015. Đến thời điểm này, mức giá trần vẫn không thay đổi, dù giá nhiên liệu bay đã tăng lên hơn gấp đôi.

"Khi bỏ giá trần không có nghĩa là các hãng tăng được giá cao vì bản thân các hãng đang phải cạnh tranh với nhau", ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines, cho hay.

Các hãng hàng không cho rằng việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hành khách không có nghĩa là tăng giá vé bất hợp lý. Điều này sẽ giúp các hãng có chính sách giá vé linh hoạt, bù đắp chi phí xăng dầu, nhất là có thể tăng cao giá trị phục vụ cũng như chất lượng dịch vụ.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, việc điều chỉnh giá trần vé máy bay là cần thiết trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay là phù hợp về pháp lý, nhưng vẫn có những mâu thuẫn giữa việc khuyến khích tăng trưởng dịch vụ và du lịch với việc đảm bảo hoạt động không bị lỗ của các doanh nghiệp vận tải hàng không.

"Chúng ta sẽ phải có những bước đi chia giai đoạn ra để tránh tác động đột biến vào chi phí của người tiêu dùng hoặc là tác động vào chỉ số lạm phát của năm 2023", ông Nguyễn Đức Kiên, chuyên gia kinh tế, nhận định.

Bên cạnh yếu tố nhiên liệu, việc lãi suất tăng, tỷ giá USD cũng đang làm hoạt động của các hãng hàng không thêm khó khăn, bởi phần lớn hợp đồng thuê máy bay và các chi phí dịch vụ quốc tế đều được chi trả bằng ngoại tệ.

Rà soát giấy phép kinh doanh vận tải của các hãng hàng không Rà soát giấy phép kinh doanh vận tải của các hãng hàng không

VTV.vn - Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát giấy phép của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước