Hàng loạt bộ ngành vào cuộc chặn đà tăng giá thép

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 10/06/2021 07:57 GMT+7

VTV.vn - Thời gian qua, giá thép liên tục tăng cao gây ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất, đặc biệt là xây dựng.

Rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép mạ nhập khẩu

Bộ Công Thương vừa có thông báo tiến hành rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong thông báo, Bộ Công Thương nêu rõ, việc tiến hành điều tra rà soát cuối kỳ với thép mạ đồng thời cũng là cơ sở để cơ quan điều tra có thể thu thập thông tin, đánh giá chi tiết hơn về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, cân đối cung cầu của thị trường, diễn biến giá của các sản phẩm thép mạ ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thép đang có những biến động mạnh.

Hàng loạt bộ ngành vào cuộc chặn đà tăng giá thép - Ảnh 1.

5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước đã tiêu thụ tổng cộng gần hơn 10 triệu tấn thành phẩm thép. (Ảnh minh họa: PLO)

Trên cơ sở kết luận điều tra, cơ quan điều tra sẽ đưa ra kiến nghị về việc có tiếp tục áp dụng biện pháp hay không hoặc điều chỉnh mức độ áp dụng theo đúng quy định pháp luật và căn cứ trên các thông tin, dữ liệu thực tiễn thu thập được.

Giá thép biến động mạnh

Thống kê của Hiệp hội thép cho thấy, 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước đã tiêu thụ tổng cộng gần hơn 10 triệu tấn thành phẩm thép, tăng trưởng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 2 tháng gần đây, giá bán thép xây dựng tại các nhà máy, chưa tính thuế VAT, trừ chiết khấu, có nhiều biến động mạnh.

Trong 2 tháng qua, mức giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép rất cao, có thời điểm phôi thép nội địa có giá bán từ 13.500 - 13.600 đồng/kg. Còn trong khu vực, giá phôi thép cũng giao dịch ở mức hơn 630 USD/tấn, giá quặng sắt thế giới cũng dao động từ 170 - 172 USD/ tấn.

Trong tháng 5 có thời điểm giá thép khoảng 16,5 triệu đồng/tấn tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm, tăng tăng khoảng 1,2 triệu đồng/tấn so với tháng 4, tăng cao hơn so với quý III/2020 đến 40%.

Giải pháp kiểm soát giá thép tăng

Theo tính toán của một số nhà thầu, chi phí thép xây dựng chiếm từ 12 - 15% trong tổng giá trị công trình. Nếu giá thép biến động 10%, giá công trình tăng thêm 1%. Vì vậy, khi giá thép liên tục tăng, có thời điểm tăng tới 40% so với quý III/2020 đã ảnh hưởng rất lớn đến các công trình xây dựng.

Không chỉ giảm 80% lượng hàng thép xây dựng và thép công nghiệp tại các kho hàng so với cùng kỳ năm 2020, theo đại diện một đơn vị kinh doanh, giá thép tăng kỷ lục cũng đồng nghĩa với nhiều công trình xây dựng phải dừng và giãn thời gian thi công. Như vậy, sản lượng hàng bán ra cũng giảm.

"Do giá thép tăng quá nhanh, các công trình xây dựng đều giãn tiến độ, nên sản lượng thép đầu ra của chúng tôi cũng giảm sút đáng kể. Như mọi năm, chúng tôi có thể để trong kho 5.000 tấn ở cùng thời điểm, nhưng hiện nay trong kho chúng tôi chỉ để khoảng 1.000 tấn đủ để luân chuyển hàng hóa, nhằm giảm thiểu rủi ro", ông Bùi Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Long, cho biết.

Giá nguyên liệu sản xuất thép trên thế giới tăng khiến nhiều ngành nghề, lĩnh vực sử dụng loại nguyên liệu này đang phải xoay xở tìm cách ứng phó.

"Giá thép tăng đột biến, nhiều chỗ chủ đầu tư họ rất thông cảm hỗ trợ một phần. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư không chia sẻ cho nhà thầu thì nhà thầu cũng rất khó để có thể đòi được khoản đấy", ông Hoàng Ngọc Tú, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Delta, chia sẻ.

"Hiện nay tính liên thông giữa thị trường thế giới và thị trường Việt Nam rất là cao, nên các biến động của thị trường thế giới cũng đều ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Với việc giá thép cũng như nguyên vật liệu tăng cao cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất thép", ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, nhận định.

Hàng loạt bộ ngành vào cuộc chặn đà tăng giá thép - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp ngành xây dựng đang gặp nhiều khó khăn vì giá thép tăng cao. (Ảnh: NLĐ)

Năm nay, theo dự báo, chỉ riêng mặt hàng thép xây dựng của Việt Nam sẽ tăng từ 2 - 3% so với năm 2020, tương đương khoảng 11 triệu tấn. Trong khi đó, năng lực sản xuất trong nước khoảng 14 triệu tấn. Việc đẩy mạnh sản xuất là một trong những giải pháp "giảm nhiệt" giá thép.

Các bộ ngành vào cuộc kiểm soát giá thép

Trước tình trạng giá thép tăng cao, tại cuộc họp về công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao các Bộ có các biện pháp liên quan đến mặt hàng này và nhiều giải pháp đã được đưa ra.

Bộ Công Thương đã dự kiến các giải pháp: kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu; rà soát nguyên liệu đầu vào; tăng cường quản lý thị trường để ngăn chặn hiện tượng đầu cơ tăng giá thép...

Bộ Tài chính cho rằng xem xét việc điều chỉnh chính sách thuế tự vệ đối với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở xây dựng cập nhật giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp mặt bằng giá mới; đặc biệt là đề nghị các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố đánh giá tác động giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước để từ đó kiến nghị Chính phủ và các cơ quan ban hành chính sách được đảm bảo đồng bộ.

Bộ Công Thương mới đây cũng nhấn mạnh sẽ phải tính tới các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm từng bước điều chỉnh nguồn cung thép, định giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá để trục lợi. Bộ đang xem xét và lắng nghe đóng góp ý kiến của các chuyên gia trong đó có ý kiến về lập Quỹ bình ổn, hay như cần các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng nhằm kiểm soát giá thép. Các giải pháp sẽ được đánh giá thấu đáo trước khi Bộ đưa ra những quyết định nhằm hạ nhiệt giá thép trên thị trường.

Báo cáo về tình hình thị trường thép hồi quý I của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, giá thép có thể tăng đến hết quý III năm nay do những diễn biến khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và Ấn Độ. Đến thời điểm này, dự báo có thay đổi gì không?

Mức tăng giá thép hiện nay được cho là mức tăng bất thường. Có nghi ngại cho rằng có hiện tượng làm giá khiến giá thép tăng mạnh như vậy. Trước những nghi ngại về khả năng làm giá, phía lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành rà soát và cho kết quả như thế nào?

Câu trả lời sẽ được giải đáp phần nào trong chương trình Vấn đề hôm nay (9/6) với sự tham gia của ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, và ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.

Giá thép tăng phi mã: Cách nào để “hạ nhiệt”? Giá thép tăng phi mã: Cách nào để “hạ nhiệt”?

VTV.vn - Giá thép liên tục tăng từ đầu năm tới nay. Hai tháng qua, có thời điểm giá thép trong nước tăng tới 40% so với thời điểm quý III/2020.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước