Xuất khẩu đã trở thành động lực chính giúp kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng trong một năm khó khăn và thử thách vì dịch bệnh vừa qua. Bước sang năm 2022, xuất khẩu được dự báo sẽ còn tốt hơn nhờ các các ngành sản xuất trong nước và các thị trưởng nhập khẩu đều hồi phục mạnh sau đại dịch COVID-19.
Năm 2022, ngành Công Thương đặt mục tiêu đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 8% so với năm qua và tiếp tục giữ cán cân thương mại có xuất siêu. Cơ sở của mục tiêu này là nhiều thị trường đang phục hồi mạnh do đã thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Chi phí vận chuyển đã dần bình thường hóa từ cuối năm 2021 do các biện pháp phòng chống dịch được triển khai hiệu quả của các quốc gia. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt container được giảm thiểu sau khi đơn đặt hàng sản xuất container tăng mạnh kể từ giữa năm 2021. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường.
Xuất khẩu Việt Nam năm 2022 được nhận định hội tụ khá nhiều điều kiện thuận lợi. Bên cạnh sự mở cửa ngày càng mạnh của các hiệp định thương mại thế hệ mới, nội lực của các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu trong nước cũng đang nâng dần, đặc biệt sau những thử thách lớn từ đại dịch.
"Chúng ta hãy quan tâm hơn đến sự dịch chuyển của hàng hóa xuất khẩu, chất lượng xuất khẩu. Chúng ta chuẩn bị cho cái đó để giữa bối cảnh thế giới dịch chuyển doanh nghiệp đón bằng được thời cơ", ông Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho hay.
Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Chúng ta đang sở hữu 15 hiệp định thương mại tự do với hầu hết các thị trường trọng điểm thế giới, nhờ vậy tạo ra một xung lực lớn cho sản xuất và xuất khẩu. Cùng với đó giúp chúng ta tiếp cận được nhiều công nghệ tiên tiến hiện đại và đào tạo được lực lượng lao động chuyên nghiệp hơn".
Các cải cách thể chế, đổi mới môi trường kinh doanh và đặc biệt là gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua cũng sẽ góp phần quan trọng, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, đây chỉ là các yếu tố cần, điều kiện đủ vẫn từ chính cách doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, nâng cao hệ thống quản trị để vượt qua chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và xung đột thương mại vẫn đang diễn ra trên toàn cầu.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, ngay trong tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!