Ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, tỉnh Hậu Giang đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án có tổng vốn lên đến 23 triệu USD. Đó là nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản công suất 126.000 tấn/năm. Giai đoạn 1 của nhà máy sẽ hoàn thành vào tháng 5/2024. Khi hoạt động, doanh thu mỗi năm dự kiến hơn 160 triệu USD.
Đây là một tín hiệu tích cực cho kinh tế của tỉnh Hậu Giang và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2022, địa phương này đã đón nhận thêm 12 dự án, với tổng vốn gần 19.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án công nghiệp lớn.
"Tỉnh xây dựng tiêu chí thu hút những nhà đầu tư, ngành nghề có tính lan tỏa, có hàm lượng công nghệ cao, đóng góp lớn cho ngân sách và thân thiện với môi trường", ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang, cho biết.
Năm 2022, kinh tế các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều có mức tăng trưởng khá. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Với quan điểm hành động là "2 nhanh": nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư; "3 tốt": cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt, Hậu Giang đã trở thành điểm đến cho nhiều doanh nghiệp. Hiện địa phương này tiếp tục quy hoạch nhiều khu công nghiệp mới, gắn kết với các tuyến đường cao tốc sắp hoàn thành.
"Quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp ở những điểm có nút giao với đường cao tốc. Việc này tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa thuận lợi đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, sân bay và Thành phố Hồ Chí Minh", ông Phan Vĩnh Lộc, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang, cho hay.
Năm 2022, Hậu Giang đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 4 cả nước về tăng trưởng kinh tế. Hiện địa phương này đang đầu tư thêm 7 khu công nghiệp, nâng tổng diện tích khu công nghiệp của tỉnh lên hơn 2.200 hecta. Đây không chỉ tạo thêm nguồn lực tăng trưởng, mà còn giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, hình thành các trục phát triển mới cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!