Cũng giống như những thợ đào tiền điện tử khác đang phải hoạt động lén lút khi Bắc Kinh tuyên bố đàn áp ngành này vào đầu năm nay, Ben (dùng nickname để đảm bảo an toàn cho bản thân) đang tìm mọi cách để không bị phát hiện.
Ben đã bố trí các máy đào của mình trên nhiều địa điểm khác nhau đến mức không có khu vực nào nổi lên trên lưới điện quốc gia vì sử dụng quá nhiều. Anh thậm chí còn dùng điện trực tiếp từ các nhà máy thủy điện nhỏ mà chưa được đấu nối lên lưới điện quốc gia. Anh cũng đang thực hiện các bước để che giấu địa chỉ truy cập trên mạng.
Nói với CNBC, Ben cho biết anh đã quá quen với việc phải xoay xở mọi thứ như thế khi điều hành một doanh nghiệp ở Trung Quốc, nhưng bù lại 6 tháng qua lợi nhuận thực sự tăng lên.
Ben không phải là trường hợp duy nhất đang phải lén lút đào coin như thế ở Trung Quốc.
Nhiều thợ đào lớn đã chuyển hoạt động ra nước ngoài, trong khi các thợ đào nhỏ vẫn đang tìm mọi cách để hoạt động (Ảnh: Bloomberg/Getty).
Mặc dù Bắc Kinh đã trục xuất các thợ đào coin hồi tháng 5 và sau đó lại tiếp tục mạnh tay hơn vào tháng 11, nhiều nguồn tin cho CNBC biết có tới 20% thợ đào Bitcoin trên thế giới vẫn đang ở Trung Quốc. Con số này khá cao so với mức khoảng 65 - 75% trên thị trường toàn cầu, nhưng về cơ bản nó còn cao hơn cả mức ước tính 0% của Đại học Cambridge.
Dữ liệu từ công ty an ninh mạng Qihoo 360 của Trung Quốc cũng cho thấy hoạt động khai thác tiền điện tử ngầm dường như đang tồn tại và phát triển tốt ở Trung Quốc. Trong một báo cáo tháng 11, nhóm nghiên cứu này ước tính trung bình mỗi ngày có khoảng 109.000 địa chỉ IP khai thác tiền điện tử đang hoạt động ở Trung Quốc. Hầu hết địa chỉ đó, theo báo cáo, là ở các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và Sơn Đông.
Hoạt động khai thác tiền điện tử vẫn lén lút tồn tại ở Trung Quốc, một phần là do nhiều thợ đào không chắc liệu Bắc Kinh có thực sự quyết liệt với lệnh cấm này hay không.
Trung Quốc đã nhiều lần chống lại với tiền điện tử nhưng mỗi lần như vậy sự quyết liệt dường như đã giảm bớt, các quy định cũng dịu đi. Hồi đầu năm, nước này thông báo sẽ ngăn chặn hoạt động khai thác tiền điện tử. Một số thợ đào nhỏ, những người không có tài nguyên hoặc kết nối để di cư ra nước ngoài, đã phải ngừng hoạt động trong vài tuần. Nhưng sau đó lại hoạt động trở lại và sử dụng nhiều biện pháp phòng ngừa khi thực hiện khai thác.
Hoạt động ngầm
Khi Trung Quốc bắt đầu yêu cầu cấm hoạt động khai thác tiền điện tử vào tháng 5, ngành công nghiệp này hầu như chìm vào bóng tối khi các thợ đào ngừng hoạt động, chờ đợi đợt kiểm soát lắng xuống.
Theo CNBC, trong số những thợ đào bất hợp pháp ở Trung Quốc, một số vẫn ở Trung Quốc chờ xem, còn một số có kiến thức trực tiếp về các hoạt động này vẫn tìm cách để tiếp tục tồn tại dưới sự giám sát ngày càng tăng của các cơ quan quản lý.
Còn những thợ đào lớn ở trong ngành, những người có mối quan hệ ở nước ngoài và tiền mặt dự phòng, đã nhanh chóng chuyển cơ sở hoạt động ra nước ngoài. Nhiều người đã vận chuyển thiết bị đến Kazakhstan, Mỹ và các quốc gia khác, nơi có chi phí điện thấp cũng như khả năng lưu trữ sẵn có.
Thậm chí một số thợ đào nặng đô hơn còn bỏ lại tất cả máy móc thiết bị của họ và ra nước ngoài sắm lại các thiết bị thế hệ mới nhất, tạo dựng lại cơ sở ở đó.
Nhưng với những thợ đào nhỏ hơn, thu nhập hạn chế và ít kết nối với quốc tế, không thể chuyển đi do đại dịch hạn chế đi lại, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và vận chuyển cũng như cuộc thương chiến Mỹ - Trung.
Việc bán các thiết bị cũng không hiệu quả do giá giảm quá nhiều khi một lượng lớn hàng được đưa ra thị trường.
Nhưng với những thợ đào nhỏ hơn như Ben, việc tránh khỏi tầm theo dõi của cơ quan quản lý sẽ dễ dàng hơn. Một số đã chia hoạt động khai thác thành nhiều trang trại khác nhau và hoạt động trên khắp đất nước để tránh bị các cơ quan chức năng để ý. Một số khác lại sử dụng trực tiếp từ các nguồn điện nhỏ ở các vùng nông thôn mà chưa được đấu nối lên lưới điện chính.
"Đào coin giờ không còn là một hoạt động kinh doanh lớn nữa", một thợ đào Bitcoin nhiều năm kinh nghiệm không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên khắp thế giới cho biết. Thay vào đó, ngành này đang trở thành một hoạt động đồng bộ hơn với "vài nghìn thợ đào ở đây, vài nghìn thợ đào ở kia".
Các mỏ khai thác chui
Ben khai thác tiền điện tử từ năm 2015 và hiện có khoảng 1.000 máy đào sử dụng nguồn điện lưới và khoảng 5.000 máy khác sử dụng các nguồn điện nhỏ chưa kết nối ở Tứ Xuyên.
Với hàng trăm thợ đào đang sử dụng điện lưới, Ben nói với CNBC rằng anh đã rải hoạt động của mình trên khắp đất nước để tránh cơ quan chức năng phát hiện.
"Chúng ở khắp nơi và không có một hình mẫu nào cả", Ben nói về mạng lưới khai thác của mình.
Các cơ sở đào coin đã phải phân tán ra nhỏ hơn, tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng (Ảnh: Bloomberg/Getty).
Theo Marshall Long, đây là thực tế phổ biến đối với nhiều thợ đào ở Thụy Điển Iceland và Trung Quốc hiện nay. "Họ đang khai thác bằng điện lưới và giờ đây để quy mô nhỏ hơn, họ phải phân tán ra", Long nói khi nhắc đến nhiều bạn bè của anh đang đào chui ở Trung Quốc và cho biết những cơ sở đó thường hoạt động với công suất 20 megawatt hoặc nhỏ hơn.
Ben cho biết giá điện lưới thực sự quá đắt. Do đó sử dụng nguồn điện ngoài cho phép cơ sở của anh dễ dàng vận hành hơn và mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.
Các lệnh cấm khai thác tiền điện tử của Trung Quốc được ban ra khi các thợ đào tập trung nhiều ở Tứ Xuyên và Vân Nam, hai trong số các tỉnh khai thác tiền điện tử chính ở Trung Quốc, nhờ hàng nghìn con đập thủy điện nhỏ. So với các nhà máy điện than ở Tân Cương và Nội Mông, cũng từng là cơ sở của mạng lưới khai thác tiền điện tử, những trạm thủy điện nhỏ này khó theo dõi và bị quản lý.
"Chắc chắn có rất nhiều thợ đào gắn bó với hàng trăm nghìn con đập thủy điện ở Tứ Xuyên", Kevin Zhang của Foundry, công ty tiền điện tử đã giúp đưa hơn 400 triệu USD thiết bị khai thác coin từ Trung Quốc vào Bắc Mỹ, nói.
Đối với trường hợp của Ben, hầu hết dàn máy đào của anh đều đang vận hành nhờ dòng điện từ thủy điện. Ben có hai điểm khai thác ở Tứ Xuyên, một cái với công suất 12 megawatt và một cái với 8 megawatt. Theo Ben, ở Trung Quốc rất nhiều các mỏ đào có công trên 1 megawatt.
Các biện pháp "qua mặt"
Thực ra ngay cả trước khi có lệnh cấm, việc các thợ đào sử dụng riêng máy biến áp và trạm biến áp để cung cấp nguồn điện trực tiếp từ nhà máy điện cho các cơ sở khai thác đã trở nên phổ biến.
Tại một điểm khai thác ở Tứ Xuyên, Ben đã phải trả một khoản phí một lần để thuê toàn bộ một nhà máy thủy điện hoạt động ngoài mạng lưới. Đây là một cách để anh không bị phát hiện.
Mặc dù Ben đã thực hiện các bước để che giấu hoạt động của mình, song không phải lúc nào anh cũng "thoát". Ben cho biết China Telecom, một trong những công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc, đã tăng cường giám sát bằng cách theo dõi việc sử dụng điện đáng ngờ. Gần đây, một nhà máy điện nhỏ mà anh đang sử dụng bị điều tra. Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương gọi cho chủ nhà máy về những hoạt động đáng ngờ, nhưng họ đã không khai ra anh. Sau cuộc gọi đó, Ben đã tắt máy đào trong vài ngày, thực hiện thêm các bước che giấu dấu vết trên mạng, sau đó khởi động lại.
Các thợ đào thường sử dụng địa chỉ IP ảo hoặc VPN để che dấu vết địa chỉ truy cập (Ảnh: SCMP/Getty).
Hầu hết thợ đào chui đang tham gia cùng với các nhóm thợ đào tiền điện tử trên khắp hành tinh để nhằm che giấu hoạt động cũng như tăng cường sức mạnh tính toán. Mặc dù nhiều nhóm khai thác đã thông báo ngừng hoạt động ở Trung Quốc nhưng theo nguồn tin CNBC một số nhóm thợ đào ở nước ngoài vẫn đang hợp tác với các thợ đào Trung Quốc.
"Họ ẩn hashrate của mình", Ben giải thích. Hashrate là một thuật ngữ trong ngành mô tả sức mạnh tính toán chung của tất cả các thợ đào trong mạng Bitcoin.
Thông thường, khi một khối giao dịch được "khai thác" và thêm vào sổ cái kỹ thuật số của các giao dịch được gọi là blockchain, nhóm giành được nó sẽ ký tên vào khối. Tuy nhiên, giờ đây, theo nhiều nguồn tin, khi các thợ đào Trung Quốc đóng góp sức mạnh tính toán của họ để giải quyết một khối, các nhóm sẽ chọn không ký tên của họ, điều này khác với giao thức trước đây.
"Một nhóm không nhất thiết phải tiết lộ về bất kỳ dữ liệu nào", Ben nói và cho nếu có hỏi về doanh thu chỉ nên nói bằng một nửa đang có thôi. "Đừng khoe khoang gì cả", Ben nhấn mạnh.
Điều này cũng có thể giải thích vì sao thị phần của Trung Quốc trên thị trường Bitcoin toàn cầu gần như bằng 0 chỉ trong một đêm. Vì chỉ số khai thác Bitcoin trên dữ liệu được các nhóm khai thác chia sẻ một cách tự nguyện.
Theo nhiều nguồn tin, mặc dù các nhóm khai thác kín tiếng về việc hợp tác với các thợ đào Trung Quốc, nhưng họ đã có giúp ích cho rất nhiều hoạt động khai thác ngầm ở đây.
Như Ben mô tả, một nhóm mà anh đang hợp tác đã giúp anh thiết lập một máy chủ khiến mỏ của anh có vẻ như có ít điểm kết nối hơn. Khi một địa chỉ IP có hàng nghìn điểm kết nối, mỗi điểm đều gửi một lượng lớn dữ liệu, điều đó khiến các nhà chức trách nghi ngờ, đặc biệt là ở một vùng nông thôn như Tứ Xuyên.
Cuộc di cư "mùa khô"
Tuy nhiên, những người đào coin ở Trung Quốc đang gặp một vấn đề mới và rất nghiêm trọng đó là mùa mưa đã kết thúc.
Nếu như những năm trước vào mùa này, họ sẽ đóng gói thiết bị và chuyển đến Tân Cương hoặc Nội Mông để khai thác bằng nguồn điện từ các nhà máy điện than, thì hiện cả hai khu vực này đang "cấm cửa" đối với các thợ đào.
"Điều đó thực sự thú vị", Zhang nói và cho biết thị phần của Trung Quốc trên thị trường Bitcoin toàn cầu sẽ giảm mạnh xuống còn 5% khi các đập thủy điện cạn kiệt. "Rất nhiều thợ đào sẽ phải đầu tư và gửi thiết bị ra nước ngoài". Điểm đến có thể là Bắc Mỹ, nơi họ có thể ký các thỏa thuận dài hạn. "Đó là một khuôn khổ ổn định hơn và sẽ không thay đổi trong một sớm một chiều".
Với Ben, anh cũng đang cân nhắc lựa chọn này. Tuy nhiên cho đến khi đạt được thỏa thuận với các host ở Mỹ, Ben vẫn phải đối mặt với tình thế khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!