Dự báo trong những tháng tới, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng và rau quả có thể tăng mạnh trở lại. Giá sầu riêng thu mua tại vườn có giảm, nhưng do năng suất tốt hơn nên thu nhập của người trồng vẫn đảm bảo tốt.
Đặc biệt, tại nhiều địa phương, ngành nông nghiệp đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và nhà vườn tích cực sản xuất có mã số vùng trồng, đảm bảo chất lượng cao, chinh phục được nhiều thị trường lớn.
3ha sầu riêng của anh Hồ sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt và được cấp mã số vùng trồng. Cũng nhờ vậy, 2 năm qua, anh không còn lo cảnh ế hàng, dội chợ như trước đây.
"Mình bán rất dễ, có nhiều khi bà con ở đây không có mã số vùng trồng nó bị ùn tắc, thương lái họ ép. Mình có mình xuất đi chính ngạch bán cũng dễ", anh Huỳnh Long Hồ - Xã Long Kiến, Chợ Mới, An Giang chia sẻ.
Nhờ có mã số vùng trồng nên sản phẩm sầu riêng tại đây được thương lái thu mua với giá khá tốt. Có thời điểm lên tới 200.000 đồng/kg, tức cao gấp đôi so với sầu riêng không có mã số vùng trồng.
Hiện Đồng bằng song Cửu Long có khoảng 33.000ha trồng sầu riêng. Trong đó, diện tích được cấp mã số vùng trồng còn khá khiêm tốn, có nơi chưa tới 5%. Để cải thiện con số này, ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp.
Ông Đặng Thanh Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cho biết: "Tăng cường tập huấn cho bà con nắm, hiểu rõ lợi ích khi vùng trồng đó đã được gắn mã số, cụ thể là hiểu được những yêu cầu quy định và chúng ta phải ghi chép sổ tay, phải cùng một quy trình quản lý".
"Có mã số vùng trồng, tức là hàng của anh đã được kiểm tra ban đầu rồi thì việc thông quan tương đối dễ, người ta sẽ cho anh vào. Nếu không có mã số vùng trồng dứt khoát người ta không cho, nó giống như một cái visa", ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay.
Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng mang về cho nước ta 2,3 tỷ USD. Con số kỷ lục này sẽ chưa dừng lại đó, nếu nhà vườn và doanh nghiệp làm tốt hơn nữa việc định danh vùng trồng, sản phẩm có nguồn gốc, đảm bảo an toàn và chinh phục được các thị trường khó tính.
Xây dựng chuỗi giá trị cho sầu riêng Việt
Xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia mới cho trái sầu riêng tươi.
Năm 2024, diện tích trồng sầu riêng cả nước tăng lên khoảng 150.000ha, sản lượng dự kiến sẽ đạt 1,5 triệu tấn. Lợi nhuận 1 ha có thời điểm lên tới cả tỷ đồng. Hiệu ứng giá cao, tăng xuất khẩu cũng đang tạo nên cơn sốt mở rộng diện tích sầu riêng. Cần sớm tái cơ cấu ngành hàng này theo hướng chuỗi giá trị, tiếp tục nâng cao chất lượng và đa dạng kênh tiêu thụ để xuất khẩu bền vững hơn.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh: "Có rất nhiều thách thức, khó khan, thứ nhất về sản xuất, vùng trồng, chúng ta làm sao để bảo đảm được chúng ta chỉ tạo ra một sản phẩm có thể bán đi Mỹ được, đi Trung Quốc, bán thị trường trong nước được. Hiện nay nó không còn gọi là thị trường khó tính, dễ tính nữa, mà tất cả đều khó tính".
"Cùng nhau có một bước tiến ngoạn mục hơn, đó là câu chuyện chúng ta đừng manh mún, nhỏ lẻ nữa, đừng suy nghĩ cho mỗi cá nhân, chúng ta hãy vì câu chuyện chung cho ngành hàng sầu riêng của Việt Nam, chúng ta nhất định phải xây dựng được một cái thương hiệu made in Viet Nam của ngành hàng sầu riêng", bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chánh Thu chia sẻ.
Ông Đặng Thanh Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cho biết: "Liên kết với những đơn vị có nhu cầu xuất khẩu gắn với vùng trồng của chúng ta để đảm bảo được hàng hóa nông sản cũng như trái sầu riêng được thu mua đúng ngay vùng trồng, đảm bảo chất lượng, yêu cầu của nước nhập khẩu và chúng ta nâng cao giá trị sản xuất cũng như lợi nhuận cho bà con nông dân khi tham gia mã số vùng trồng này".
Ông Nguyễn Trung Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ thông tin: "Rà soát tổng diện tích cũng như sản lượng thu hoạch, có từng thời điểm Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Nông nghiệp phối hợp giới thiệu sản phẩm cho Sở Công thương Thành phố làm cầu nối đến các siêu thị cũng như các doanh nghiệp phối hợp thu mua trong thời gian qua rất ổn định, góp phần tiêu thụ sản phẩm sầu riêng trong thời gian qua cũng như trong thời gian sắp tới".
Việc đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay, để sầu riêng Việt Nam đứng vững trên thị trường trước sức ép gay gắt từ Thái Lan, Malaysia. Trước tình trạng tăng trưởng "nóng" về diện tích sầu riêng ở nhiều tỉnh trong thời gian qua, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương rà soát lại các vùng trồng và quy trình canh tác sầu riêng. Đặc biệt, phải xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia mới cho trái sầu riêng tươi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!