Các đại biểu tham dự cuộc họp G7. (ảnh: Reuters)
Nội dung chính của hội nghị G7 lần này là tìm kiếm giải pháp cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh cuộc tranh luận giữa 2 trường phái: thúc đẩy tăng trưởng hay tiếp tục các biện pháp khắc khổ.
Phát biểu trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, người chủ trì hội nghị lần này cho biết vấn đề đang được quan tâm hàng đầu hiện nay là các ngân hàng trung ương có thể làm gì hơn nữa để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong lúc vẫn giữ lạm phát ổn định trong trung hạn, khi mà hầu hết các chính phủ đang nỗ lực cắt giảm chi tiêu và tăng thuế.
Ông George Osborne, Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết: “Chúng tôi sẽ thảo luận làm thế nào để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Một điều không cần phải nghi ngờ là tình hình đã ổn định hơn nhiều so với năm ngoái, điều đó đã được phản ánh trên các thị trường tài chính. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể lơi lỏng các biện pháp cần thiết để đảm bảo một sự phục hồi bền vững”.
Tín hiệu được phát đi từ nước chủ nhà hội nghị lần này là các nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn cần tiếp tục duy trì kỷ luật ngân sách, trong đó thắt chặt chi tiêu sẽ tiếp tục là chìa khóa cho sự phục hồi toàn cầu.
Tuy nhiên, quan điểm chung của EU là cần chú trọng tới các vấn đề xã hội tại các nước thành viên do tác động của chính sách khắc khổ. Điều này đã được tái khẳng định trong Thông điệp Liên minh của Chủ tịch liên minh châu Âu ngày 9/5.
Ông Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói: "Cải cách và điều chỉnh cần được thực hiện đồng thời với việc không bỏ qua các khía cạnh rất căn bản và quan trọng về công bằng xã hội".
Ưu tiên khắc khổ hay tăng trưởng là một sự lựa chọn không dễ dàng lúc này, trong bối cảnh quan điểm của các nước chủ chốt vẫn cách xa nhau. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 sẽ có 2 ngày để tìm tiếng nói chung, nhưng ngay khi còn chưa bắt đầu, hội nghị đã được dự đoán sẽ khó có thể tạo ra một bước đột phá trong việc giải quyết tình trạng yếu kém hiện nay của kinh tế toàn cầu.