"Hợp đồng bảo hiểm nặng về bảo vệ lợi ích và rủi ro cho bên bán"

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 29/10/2021 11:54 GMT+7

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) vào sáng nay (29/10)

VTV.vn - Phải cân bằng giữa lợi ích bên bán và mua bảo hiểm là quan điểm của nhiều đại biểu khi thảo luận dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi)

Thảo luận về dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh việc cần đảm bảo cân bằng quyền lợi cho bên mua và bán bảo hiểm.

Theo đại biểu Cường, hiện hợp đồng nặng về bảo vệ lợi ích và rủi ro cho bên doanh nghiệp bảo hiểm trong khi người thụ hưởng, người mua bảo hiểm thì chưa được chú trọng đúng mức. 

Trên thực tế một số loại hình bảo hiểm có tình trạng người mua được cung cấp hợp đồng mà các điều khoản hầu hết có lợi cho bên bán. Do đó cần quy định trong dự thảo luật đảm bảo cân bằng lợi ích giữa bên bán và bên mua, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, công khai, quy định chặt chẽ.

“Ví dụ như Điều 16 trong dự án Luật có quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cho người bán song không nêu điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cho người mua”, đại biểu Cường cho biết.

Hợp đồng bảo hiểm nặng về bảo vệ lợi ích và rủi ro cho bên bán - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng)

Cho ý kiến thêm về dự án Luật, đại biểu Cường đề nghị cần tăng cường giám hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các ngân hàng. Ông Cường cho biết tại nhiều chi nhánh tổ chức tín dụng xảy ra tình trạng khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ huỷ hợp đồng ngay trong năm đầu tiên, mà không tiếp tục đóng ở những năm tiếp theo. 

Theo phản ánh, nhiều khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng mang tính chất đối phó vì ràng buộc để đảm bảo thuận lợi khi giao dịch với ngân hàng.

Làm rõ trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm

Cũng liên quan đến quyền lợi của người mua bảo hiểm, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. 

Đại biểu Tuấn trích dẫn Điều 34 liên quan đến đóng phí bảo hiểm nhân thọ trong dự án Luật:Trong trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số kỳ phí bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới hai năm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác”.

Hợp đồng bảo hiểm nặng về bảo vệ lợi ích và rủi ro cho bên bán - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang)

Ông Tuấn cho rằng trong thực tế vẫn có những trường hợp người mua bảo hiểm không biết, không hiểu do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp thông tin, tư vấn cho người mua bảo hiểm chưa đầy đủ, chưa cặn kẽ. 

Do đó, khi xảy ra trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, người mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng, cụ thể như trong trường hợp đóng bảo hiểm nhân thọ dưới hai năm hoặc được đòi lại khoản phí đã đóng nhưng không được như mong muốn sẽ cảm thấy bức xúc, thậm chí cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm lừa, từ đó dẫn tới khiếu nại, tố cáo. 

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Tuấn cho rằng, ngoài 8 nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng bảo hiểm, cần bổ sung thêm nội dung “trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm”, để xác định rõ đây là điều khoản bắt buộc cần phải có trong hoạt động bảo hiểm. 

Qua đó, nhằm tăng cường trách nhiệm thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng, tránh việc doanh nghiệp cố tình không cung cấp thông tin hoặc thông tin mập mờ làm cho người mua hợp đồng khi ký hợp đồng thì háo hức, tin tưởng nhưng khi không có khả năng theo đuổi, định chấm dứt hợp đồng thì mới biết mình không có quyền đòi lại khoản phí đã đóng, hoặc phí được hoàn trả không được như mong muốn, thất vọng, bức xúc mất niềm tin với doanh nghiệp. 

Bức xúc vì các cuộc gọi quảng cáo bảo hiểm

Góp ý về dự án Luật, đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) phản ánh tình trạng nhiều chủ thuê bao di động bị làm phiền khi suốt ngày nhận các cuộc gọi quảng cáo bảo hiểm. Trước thực trạng này, đại biểu này đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để đưa vấn đề này vào các hành vi bị cấm trong dự án luật.

Cùng nói về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tại điểm b, c, khoản 4, điều 10 quy định về hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. 

“Trên thực tế, hành vi gian lận đôi khi không xảy ra như dự thảo đã nêu mà còn có thể xảy ra việc nhân viên bán bảo hiểm lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để cố ý viết, điền, khai hộ, khai sai lệch thông tin của khách hàng trên văn bản giao kết với doanh nghiệp bảo hiểm. Việc này, dẫn đến từ chối chi trả bồi thường theo cam kết, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi có vấn đề phát sinh. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu vấn đề này”, đại biểu  Huỳnh Thị Phúc đề nghị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước