Xuất khẩu giảm nhẹ
Theo báo cáo, xuất khẩu trong tháng 5 giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ hơn so với dự đoán của thị trường, nhưng sự suy yếu vẫn tiếp diễn trên diện rộng. Không có ngành hàng nào trong số các ngành hàng chính như điện tử, máy móc, dệt may/da giày và đồ nội thất gỗ cho thấy dấu hiệu phục hồi đáng kể.
Số liệu tính đến tháng 4/2023 cho thấy, xuất khẩu giảm mạnh ở ba thị trường lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Với thị phần lớn lên tới 30%, Việt Nam chắc chắn dễ bị ảnh hưởng khi tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ.
Trong khi xuất khẩu giảm ở mức một con số, nhập khẩu giảm nhanh hơn nhiều, với mức giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo, xu hướng này đã giúp Việt Nam đạt thặng dư thương mại 2,2 tỷ USD, gấp đôi mức bình quân tháng của năm 2022.
Tuy nhiên, với lĩnh vực sản xuất có bản chất thiên về nhập khẩu, việc nhập khẩu của Việt Nam giảm mạnh cũng là dấu hiệu báo trước khả năng phục hồi khó khăn của xuất khẩu trong tương lai.
Bức tranh du lịch sáng sủa
Theo báo cáo, tình hình kinh tế Việt Nam không hoàn toàn ảm đạm. Lĩnh vực dịch vụ vẫn là điểm sáng. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa doanh thu từ các sản phẩm có giá trị lớn như ô tô và các dịch vụ liên quan đến du lịch, một xu hướng cũng được thấy ở các nền kinh tế khác trong khu vực.
Mặc dù có giảm nhẹ so với mức của tháng 4, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 900.000 lượt, đưa mức phục hồi của lĩnh vực du lịch lên khoảng 70% so với mức của năm 2019.
Đặc biệt, lượng du khách đến từ Trung Quốc mặc dù phục hồi còn chậm nhưng đã đạt 35% so với mức của năm 2019, và con số này vẫn đang tăng lên, trong bối cảnh Việt Nam đã đẩy mạnh việc nối lại các chuyến bay thẳng với Trung Quốc.
Từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã đón 4,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 60% mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023. Với mùa du lịch Hè sắp tới và khả năng nới lỏng các hạn chế về thị thực hiện đang được Quốc hội cân nhắc, Việt Nam có thể sẽ chứng kiến một cú hích mạnh hơn từ du lịch quốc tế, một nguồn hỗ trợ rất cần thiết đối với nền kinh tế đang chững lại hiện nay.
Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt
Một thông tin tích cực khác là lạm phát tiếp tục hạ nhiệt đáng kể. Đà lạm phát toàn phần vẫn ổn định trong tháng 5, đưa lạm phát toàn phần xuống 2,4%.
Mặc dù chi phí vật liệu xây dựng và nhà ở tăng 1% so với tháng trước, chủ yếu phản ánh đợt tăng giá điện một tháng trước đó, chi phí vận tải giảm đáng kể (giảm 3% so với tháng trước) đã giúp bù lại một số rủi ro tăng lạm phát.
Lạm phát giảm là một trong những cơ sở để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục cắt giảm lãi suất lần thứ 3 mới đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!