"Ì ạch" triển khai thu phí không dừng: Vì sao nên nỗi?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 11/06/2020 20:50 GMT+7

Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) bị chậm. Ảnh: Dân trí.

VTV.vn - Hàng loạt lợi ích từ việc thu phí tự động không dừng nhưng vì sao ngành giao thông cứ phải gia hạn đi, gia hạn lại chính sách này?

Việc triển khai thu phí tự động không dừng là chủ trương lớn được Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Nhưng sự chậm trễ trong triển khai làm đau đầu các nhà quản lý và đầu tư. Bên cạnh đó còn là sự không hài lòng từ một số doanh nghiệp và người dân người khi sử dụng dịch vụ này.

Hiện các trạm thu phí đều có làn riêng cho các phương tiện sử dụng thẻ Etag nhưng chỉ có ít các phương tiện di chuyển qua làn xe này.

Điểm bán thẻ thu phí không dừng hay còn được gọi là thẻ Etag trên Quốc lộ 5 được đặt ở vị trí rất tiện lợi. Nhưng theo nhân viên bán thẻ thì từ sáng cho đến tận trưa, vẫn rất ít xe dừng để mua thẻ, mặc dù đơn vị bán thẻ đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về sự tiện lợi khi sử dụng dịch vụ thẻ Etag.

Ì ạch triển khai thu phí không dừng: Vì sao nên nỗi? - Ảnh 1.

Thẻ thu phí tự động không dừng được dán lên ô tô.

"Trạm thu phí số 1 trên Quốc lộ 5, một làn thu phí đã được dành riêng cho thu phí không dừng tuy nhiên rất ít phương tiện dùng thẻ Etag qua đây. Để đảm bảo ATGT, chống ùn tắc, trạm thu phí này đã sử dụng làn thu phí không dừng cho cả xe vé tháng và vé quý di chuyển qua đây" -anh Nguyễn Văn Trung (Công ty TNHH thu phí tự động VETC) cho hay.

"Thu phí tự động không dừng là một dịch vụ được cho là tiện ích, thuận lợi cho nhiều lái xe, chủ xe. Tới nay lại chỉ có khoảng 850.000 xe trong tổng số khoảng hơn 3,5 triệu xe trên toàn quốc sử dụng? Vì thế, ở những giờ cao điểm, các cửa thu phí ETC đành phải mở để bán vé thủ công hoặc sử dụng như trạm 1 dừng nhằm giảm ùn tắc giao thông", ông Nguyễn Văn Huỳnh - Giám đốc Ban Quản lý và Bảo trì Quốc lộ 5 cho biết.

Vậy với bản thân doanh nghiệp vận tải thì sao? 

Công ty cổ phần vận tải 1 TRACO Hải Phòng cho biết, mỗi ngày có khoảng 100 lượt xe chở hàng đi các tỉnh, chi phí cho một chuyến hàng rất lớn. Ví dụ tuyến Hải Phòng - Lào Cai, tiền phí qua các trạm là gần 4 triệu đồng. Nếu phải mua thẻ thu phí không dừng, sẽ phải dồn một lượng tiền lớn vào tài khoản mà không phát sinh lãi, sẽ thiệt thòi hơn là qua trạm thu phí trả tiền mặt hàng ngày hoặc mua vé tháng.

Lý giải việc chưa mua thẻ Etag để thực hiện thu phí không dừng như chủ trương của Chính phủ, nhiều chủ xe cho biết, muốn sử dụng thẻ này, phải nộp tiền trước vào tài khoản giao thông nhưng tài khoản này lại chưa tích hợp với tài khoản ngân hàng. Doanh nghiệp nộp trước như vậy có nghĩa là chưa sử dụng dịch vụ đã phải đóng tiền và với gần 3 triệu xe trên cả nước, số tiền ứng trước sẽ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đây là vấn đề mấu chốt làm nhiều doanh nghiệp chưa mua thẻ thu phí không dừng.

Ì ạch triển khai thu phí không dừng: Vì sao nên nỗi? - Ảnh 2.

Các trạm BOT áp dụng thu phí không dừng chậm như rùa, lùi hết lần này đến lần khác.

Khi người dân chưa đồng thuận, thật khó để chính sách đi vào cuộc sống. Ấy là còn chưa kể, bản thân các trạm BOT áp dụng thu phí không dừng chậm như rùa, lùi hết lần này đến lần khác. Việc chậm trễ này đã buộc người đứng đầu ngành GTVT - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phải nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm trong báo cáo giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi nhận trách nhiệm người đứng đầu, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nới tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT đường bộ đến cuối năm nay.

Cụ thể, nhà đầu tư BOT đường bộ sẽ phải thực hiện thu phí tự động không dừng chậm nhất là đến ngày 31/12/2020. Riêng dự án mới thì chỉ được phép thu phí hoàn vốn sau khi đã lắp đặt và vận hành suôn sẻ làn thu phí không dừng. Ngoài ra cũng sẽ tăng sự chủ động cho doanh nghiệp BOT. Để tạo thuận lợi cho chủ phương tiện, đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động sẽ ghi nợ trên tài khoản và chủ phương tiện có thể nộp tiền hoàn trả trong vòng 10 ngày.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước