IMF: Ít có nguy cơ xảy ra làn sóng vỡ nợ toàn cầu "mang tính hệ thống"

TTXVN-Thứ bảy, ngày 14/10/2023 09:06 GMT+7

VTV.vn - Nợ toàn cầu hiện vẫn cao hơn so với mức trước đại dịch COVID-19 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Đây là nhận định của ông Vitor Gaspar - Giám đốc phụ trách vấn đề tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - trước thềm Hội nghị mùa Thu của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) được tổ chức tại thành phố Marrakech của Morocco từ ngày 9-15/10.

Theo báo cáo Giám sát tài khóa mà IMF mới đưa ra, trong năm 2022, nợ toàn cầu ở mức 235.000 tỷ USD, tương đương 238% GDP toàn cầu. Con số này đã thấp hơn nhiều so với mức nợ toàn cầu năm 2020 - thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành.

Tuy nhiên, ông Gaspar lưu ý tỷ lệ nợ công/GDP hiện đang gia tăng và được dự đoán sẽ tăng nhanh hơn so với các dự báo được đưa ra trước đại dịch COVID-19. Mức nợ tăng cao phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, lãi suất thực tế tăng và ngân sách ngày càng thâm hụt.

Ông Gaspar cho biết, ở các nền kinh tế tiên tiến, chi phí trả lãi cho các khoản nợ công hiện ở mức 2,4% GDP, so với mức 2,1% GDP của năm 2019. Các nền kinh tế mới nổi cũng chứng kiến xu hướng tương tự khi tỷ lệ này đã tăng từ 2,1% GDP trong năm 2019 lên 2,5% GDP trong năm 2023.

Tuy nhiên, bất chấp rủi ro nợ ở mức cao, IMF dự báo ít có nguy cơ xảy ra làn sóng vỡ nợ toàn cầu "mang tính hệ thống".

Ngoài ra, báo cáo cũng xem xét tác động tài chính từ quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch. Để triển khai hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh này, ông Gaspar cho rằng các nước cần kết hợp các công cụ chính sách, bao gồm các công cụ định giá carbon cũng như hỗ trợ tài chính cho những nước dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong đó, khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng đối với thành công của chuyển đổi xanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước