Indonesia từ chối 1 tỷ USD của Apple, tiếp tục cấm bán iPhone 16

Ngọc Hiền-Thứ năm, ngày 09/01/2025 11:29 GMT+7

VTV.vn - Chính phủ Indonesia tuyên bố không dỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone 16 dù Apple cam kết đầu tư một tỷ USD vào sản xuất tại quốc gia này.

Indonesia đã duy trì lệnh cấm bán iPhone 16 của Apple, cho rằng kế hoạch trị giá 1 tỷ USD của công ty, bao gồm việc xây dựng một nhà máy AirTag, không đủ để đáp ứng yêu cầu đầu tư địa phương. 

Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết, quy định về nội dung trong nước yêu cầu Apple sản xuất một phần điện thoại thông minh hoặc linh kiện tại địa phương, trong khi AirTag chỉ là một phụ kiện.

"Đến chiều nay, chính phủ không có cơ sở để cấp chứng nhận nội dung trong nước mà Apple cần để bán thiết bị chủ lực của mình tại Indonesia," ông nói. "Apple cần đàm phán với chúng tôi để chúng tôi có thể cấp chứng nhận."

Indonesia đã cấm bán iPhone 16 từ tháng 10, như một phần trong chiến lược thuyết phục công ty công nghệ Mỹ đầu tư nhiều hơn vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Việc trì hoãn bán hàng đang khiến Apple mất đi nguồn doanh thu từ một thị trường tiềm năng với khoảng 280 triệu người tiêu dùng, nơi họ đang cạnh tranh với các đối thủ như Samsung Electronics.

Indonesia từ chối 1 tỷ USD của Apple, tiếp tục cấm bán iPhone 16 - Ảnh 1.

Ảnh: Bloomberg.

Theo ông Kartasasmita, Apple có thể bị xử phạt vì tiếp tục không tuân thủ quy định đầu tư trong nước, mặc dù đó sẽ là biện pháp cuối cùng của chính phủ. "Chúng tôi sẽ tìm các phương án hoặc lựa chọn khác," ông cho biết, đồng thời nói rằng chính phủ đã gửi một đề xuất phản đối tới Apple.

Đại diện Apple tại Indonesia từ chối bình luận. Quyết định này đến chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Đầu tư Rosan Roeslani thông báo với các phóng viên vào tối thứ Ba rằng Indonesia đã phê duyệt kế hoạch của Apple về việc xây dựng một nhà máy AirTag. Yêu cầu về nội dung trong nước thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Công nghiệp.

Apple đã đề xuất xây dựng nhà máy vào đầu năm 2026 và bắt đầu sản xuất AirTag, một thiết bị giúp người dùng theo dõi hành lý, thú cưng hoặc các vật dụng khác, theo ông Roeslani. Các giám đốc điều hành của công ty đang có mặt tại Jakarta để đàm phán với chính phủ về đề xuất đầu tư.

Các đối thủ sản xuất điện thoại như Samsung và Xiaomi đã xây dựng nhà máy tại Indonesia để tuân thủ quy định về nội dung trong nước được áp dụng từ năm 2017. Các cách khác để tăng tỷ lệ nội dung trong nước bao gồm việc tìm nguồn nguyên liệu, thuê lao động, phát triển ứng dụng và đầu tư vào các học viện phát triển tại quốc gia này.

"Không có thời hạn cho việc tuân thủ," ông Kartasasmita cho biết. "Nếu Apple muốn bán iPhone 16, và đặc biệt nếu họ dự định ra mắt iPhone 17, quyết định hoàn toàn là ở họ."

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước