Kênh đào Suez tắc nghẽn khiến ít nhất 180 tàu chở hàng hóa, dầu thô, khí đốt bị mắc kẹt và chưa biết đến bao giờ mới có thể tiếp tục di chuyển. Sự cố này đang đe dọa nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã phải chịu nhiều áp lực từ đại dịch COVID-19.
Kênh đào Suez là kênh giao thông nhân tạo nằm trên lãnh thổ Ai Cập, nối liền biển Địa Trung Hải với Vịnh Suez, một nhánh của Biển Đỏ. Với vị trí đó, kênh đào này đóng vai trò là tuyến vận tải biển nhanh nhất giữa châu Âu và châu Á.
Một tàu container khổng lồ bị mắc kẹt ở kênh đào Suez. (Ảnh: Reuters)
"Kênh đào là Suez là một trong những tuyến đường thủy có vai trò chiến lược nhất trên thế giới, giống như kênh đào Panama. Nó vận chuyển khoảng 12% lượng hàng hóa thương mại toàn cầu mỗi năm, với giá trị vào khoảng 1,1 nghìn tỷ USD. Số lượng tàu thuyền di chuyển qua đây hàng năm là 18.000 chiếc. Do đó, khi một con tàu mắc kẹt, nó thực sự đang làm đình trệ cả dòng chảy thương mại", ông Guy Platten, Tổng Thư ký Văn phòng Vận tải biển quốc tế, cho biết.
Việc kênh đào bị tắc nghẽn đang gây ra những lo ngại lớn đối với sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chịu nhiều thiệt hại do tác động của đại dịch COVID-19.
"Mỗi ngày kênh đào bị tắc nghẽn, Ai Cập sẽ bị tổn thất lớn về kinh tế khi không thể thu được khoản phí 700.000 USD với mỗi tàu đi qua. Quan trọng hơn, các tàu container sẽ không thể vận chuyển thực phẩm, nhiên liệu, sang châu Âu, hay đưa hàng hóa xuất khẩu từ châu Âu sang các nước phía Đông. Điều này sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất, thương mại ở cả châu Âu và châu Á", ông Salvatore Mercogliano, Phó Giáo sư Đại học Campbell, bang North Carolina, Mỹ, nhận định
Đội cứu hộ tiếp cận siêu tàu chở hàng mắc kẹt ở mắc kẹt ở kênh đào Suez nhưng vẫn chưa xử lý thành công. (Ảnh: Reuters)
Trong số các hàng hóa lưu thông qua kênh đào Suez, đáng chú ý phải kể đến những tàu chở năng lượng, vốn chiếm khoảng 10% lượng dầu và 8% lượng khí đốt được vận chuyển trên toàn cầu. Các nhà máy lọc dầu của châu Âu và Mỹ thường vận chuyển dầu từ Trung Đông, có thể sẽ buộc phải tìm kiếm nguồn cung thay thế nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài, khiến giá dầu tăng cao. Đồng thời, tuyến vận chuyển dầu thô từ Biển Bắc tới châu Á cũng sẽ bị ảnh hưởng.
"Các nhà máy lọc dầu thường hoạt động dựa theo lịch trình rất chặt chẽ. Vì thế, chỉ cần việc vận chuyển bị trì hoãn một, hai, hay ba ngày thôi cũng sẽ làm xáo trộn mọi thứ. Họ rất cần dầu thô và sẽ phải tìm mọi cách để duy trì nguồn cung. Dầu thô của Mỹ, Brazil, Nigeria sẽ được vận chuyển đến châu Âu, trong khi dầu thô từ Trung Đông sẽ tới châu Á. Các tuyến đường này không bị ảnh hưởng bởi kênh đào Suez", ông Randy Giveans, Phó Chủ tịch cấp cao công ty tài chính Jefferries LLC, cho hay.
Theo báo Nikkei Asia, thị trường năng lượng đã phản ứng ngay lập tức, khi giá dầu tại Mỹ và châu Âu đồng loạt tăng khoảng 6%. Cổ phiếu của công ty vận tải biển hàng đầu thế giới Maersk trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (24/3) cũng đã giảm hơn 9% so với hồi đầu tuần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!