Khách sạn “tê liệt”, khu du lịch ảm đạm vì COVID-19

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 08/09/2020 19:44 GMT+7

VTV.vn - Hoạt động tê liệt, ngưng trệ, thậm chí phải sang nhượng, rao bán nhưng cũng không mấy nhà đầu tư mặn mà. Đây là tình cảnh của nhiều khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng.

Hàng loạt khách sạn ở Hà Nội ngừng hoạt động

Sự giãn cách do dịch COVID-19 khiến lượng khách du lịch sụt giảm chưa từng có. Hậu quả là các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang phải hứng chịu cảnh đìu hiu.

Điển hình là những khách sạn ở Hà Nội - nơi được coi là đầu mối trung chuyển của nhiều tour du lịch quốc tế đến Việt Nam, nhiều khách sạn ở vị trí đắc địa đang phải đóng cửa hoặc rao bán, sang nhượng, đối mặt với thách thức tồn tại hay không tồn tại.

Nỗi ngao ngán hiện rõ trên khuôn mặt của anh Duẩn - một chủ khách sạn 4 sao ở trung tâm phố cổ Hà Nội. Dù đã bỏ ra số tiền lên đến cả chục tỷ đồng để đầu tư nhưng nay không 1 đồng doanh thu, không 1 bóng khách lưu trú khiến khách sạn anh đang kinh doanh càng trở nên xơ xác. Dù đã tính đến cả việc chuyển đổi, sang nhượng, thậm chí rao bán nhưng cũng không có nhà đầu tư nào mặn mà.

"Qua hai lần dịch, chúng tôi đã cố gắng duy trì hoạt động, nhưng sóng COVID-19 lần 2 này khiến cho chúng tôi không thể gượng dậy được", anh Duẩn nói.

Khách sạn “tê liệt”, khu du lịch ảm đạm vì COVID-19 - Ảnh 1.

Đường phố vắng vẻ, kinh doanh ngừng trệ vì COVID-19. Ảnh minh họa - Dân trí

Hiện có tới 90% khách sạn ở khu vực trung tâm phố cổ Hà Nội đã phải đóng cửa, dừng hoạt động. Làn sóng sang nhượng, rao bán khách sạn cũng xuất hiện ngày một nhiều. Thậm chí, đã có chủ khách sạn đã đăng rao bán khách sạn với giá 0 đồng, nhưng cũng không dễ bán hoặc sang nhượng lúc này.

Hầu hết những người kinh doanh khách sạn đều là đi thuê mặt bằng. Tiền thuê nhà đã ngốn hàng tỷ đồng mỗi năm, cộng với đó là tiền đầu tư nội thất cho cơ sở khách sạn đi thuê cũng lên đến cả chục tỷ đồng. Nay nguồn khách lưu trú không có, khiến cho nhiều người muốn bán, sang nhượng quyền kinh doanh khách sạn. Không sang nhượng được nên nhiều người đành cố bám trụ.

Giữa trung tâm phố cổ, giờ nhiều khách sạn im lìm, đóng cửa. Nhiều người kinh doanh khách sạn giờ đang phải vật lộn với 2 chữ "tồn tại". Họ cũng không biết có tồn tại được đến lúc hồi sinh hay không.

Nhiều khu nghĩ dưỡng miền Trung ảm đạm

Việt Nam là một trong những nước kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Nhưng đợt dịch lần thứ 2 xảy đến đúng mùa du lịch Hè, vì vậy các khách sạn, khu nghỉ dưỡng là một trong những phân khúc bị điêu đứng nặng nhất.

Các địa điểm du lịch đều bị ảnh hưởng bởi cả phân khúc khách nghỉ dưỡng lẫn khách công vụ đều giảm mạnh. Đà Nẵng với nhiều điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách trong và ngoài nước cũng đang trong tình cảnh ảm đạm.

Chỉ cần gõ từ khóa "bán khách sạn tại Đà Nẵng", ngay lập tức sẽ hiện ra hàng trăm kết quả. Trung bình hàng ngày có hàng trăm tin, bài như thế này đăng trên các hội nhóm, trang web mua bán bất động sản.

Khách sạn “tê liệt”, khu du lịch ảm đạm vì COVID-19 - Ảnh 2.

Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19. Ảnh minh họa - Dân trí

Dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản, hầu hết các phân khúc đều phải hứng chịu thiệt hại, trong đó bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là phân khúc có thiệt hại nặng nhất.

Đại dịch COVID-19 đã khiến thị trường bất động sản như bị nén lại. Vì vậy, trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, thị trường Đà Nẵng sẽ bật dậy mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thời điểm này cũng là cơ hội tốt cho người mua có nhu cầu nhà ở hoặc đầu tư lâu dài.

Với lợi thế là điểm đến du lịch hàng đầu cả nước, lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tăng rất nhanh, hiện có khoảng hơn 1.000 khách sạn và hơn 40.000 phòng. Câu trả lời cho sự phục hồi của thị trường bất động sản chính là tùy thuộc vào thời điểm chấm dứt đại dịch tại Việt Nam và trên thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước