Thống kê du lịch - Không chỉ là lượt khách
2023 là năm khởi sắc của du lịch Việt Nam kể từ sau đại dịch COVID-19, góp phần không nhỏ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khẳng định vị thế của ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp không khói này vẫn bộc lộ những yếu điểm trong hoạch định chính sách và chiến lược phát triển. Nguyên nhân là công tác điều tra, thống kê du lịch vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, dẫn đến chưa có nguồn dữ liệu để đánh giá chính xác bức tranh du lịch trong cả nước.
Sau dịp Tết nguyên đán 2023, tỉnh Quảng Ninh từng phải chỉ đạo tính toán lại con số lượt khách đến địa phương này, sau khi Sở Du lịch công bố 1,6 triệu lượt khách dịp Tết, doanh thu hơn 3.500 tỷ, tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ năm trước, trong khi hàng loạt tàu du lịch, nhà hàng, cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng, vắng khách.
Còn tại Phú Quốc, dù ghi nhận liên tục những đợt suy giảm lượng khách, kinh doanh du lịch ế ẩm, nhưng thống kê cuối năm, Phú Quốc vẫn công bố đón 5,4 triệu lượt khách, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Nghịch lý này đặt ra câu hỏi về công tác thống kê số lượt khách đến mỗi địa phương.
Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtour cho hay: "Chúng ta có nhiều chỉ số chưa để phân biệt được đâu là khách du lịch thuần tuý, đâu là khách đi công tác, chưa thống kê được việc khách di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác. Đây là hạn chế khiến cho công tác đánh giá thực lực hoạt động du lịch như thế nào, hiệu quả ra sao".
Khách du lịch tham quan Bảo tàng Quảng Ninh. Ảnh: Báo Nhân dân.
Theo các đơn vị kinh doanh du lịch, trong công bố báo cáo thống kê của các địa phương, chưa phân tách cụ thể đối tượng thăm quan trong ngày, khách lưu trú qua đêm, hay thời gian lưu trú bao lâu. Trong khi theo tính toán chi phí lưu trú chiếm tới 70% chi tiêu của 1 khách quốc tế đến Việt Nam, nghĩa là quyết định lớn đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
"Quan trọng nhất là thống kê được khách lưu lại ở điểm đến, khách trong ngày thì nhìn thấy được hiệu quả sử dụng của chúng ta đến đâu, sử dụng hạ tầng thiết yếu như lưu trú, ăn uống, hay hạ tầng về điểm thăm quan… Cần có số liệu công bố chi tiết hơn", ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho biết.
Sau đại dịch COVID-19, hành vi du lịch của du khách đã thay đổi. Đa số khách đi ngắn ngày, thận trọng trong chi tiêu. Nếu không thống kê chính xác, số lượt khách có thể tăng cao nhưng không đồng nghĩa với du lịch phát triển vì doanh thu khách sạn, cơ sở lưu trú vẫn sụt giảm.
TS Lê Tuấn Anh - Trưởng khoa Du lịch và Ngôn ngữ quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: "Từ khoảng năm 2019 trở lại đây có vẻ như chúng ta đang xao nhãng hoạt động này, không được đầu tư về mặt kinh phí, chuyên gia, nhân lực để làm công tác thông kê".
Hiện trên cả nước chỉ duy nhất trường Đại học Văn hóa Hà Nội đưa bộ môn Thống kê du lịch vào trong giảng dạy, trong khi thống kê du lịch là một trong những thước đo quan trọng để hoạch định chính sách và lên chiến lược phát triển của ngành.
Tài khoản vệ tinh - Giải pháp cho thống kê du lịch
Nghị quyết 82 của Chính phủ mới đây yêu cầu phải "Tăng cường công tác thống kê du lịch. Tiếp tục triển khai áp dụng Tài khoản vệ tinh du lịch.... theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch thế giới".
"Tài khoản vệ tinh du lịch" hiện được gần 100 quốc gia trên thế giới áp dụng. Đây sẽ là chìa khóa giải quyết những bất cập trong công tác thống kê và được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khởi động từ cuối năm ngoái.
"Tài khoản vệ tinh du lịch" tập hợp bộ 10 chỉ số thống kê tập trung thống kê chi tiết vào tiêu dùng của khách du lịch quốc tế và nội địa. Đặc biệt là bộ chỉ số đánh giá tiêu dùng trong nước phân theo sản phẩm. Đây chính là công cụ hữu hiệu để lượng hóa đóng góp của chuối cung ứng dịch vụ du lịch như khách sạn, vận tải, lữ hành.
Song song với việc áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch, cơ sở dữ liệu du lịch công dân sẽ được tích hợp với Đề án 06 của Bộ Công an trong Đề án phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển kinh tế.
Nâng cao chỉ số thống kê trong du lịch góp phần hoạch định chính sách, thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đề ra: Năm 2025 năng lực phát triển du lịch và lữ hành Việt Nam tăng ít nhất 2 bậc theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Đến năm 2030, du lịch đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15 -17%, cao hơn gấp đôi so với hiện tại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!