Trong 3 năm gần đây, chỉ số thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng từ 25 - 30%, mở ra nhiều cơ hội. Tạo điều kiện nhưng phải đảm bảo quản lý chặt đối với thương mại điện tử là nội dung chính được đề cập trong buổi hội nghị "Hoàn thiện dự thảo đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu" do Tổng cục Hải quan phối hợp với Dự án Tạo thuận lợi thương mại - Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức vào ngày 24/9 tại tỉnh Quảng Nam.
Có đến 80% lượng giao dịch thương mại điện tử hàng hóa xuyên biên giới có giá trị thấp dưới 30 USD. Hầu hết đơn hàng là nhỏ lẻ, thậm chí có người chỉ thực hiện giao dịch một lần duy nhất. Do vậy, người mua hay người bán hàng thường không có kinh nghiệm về xuất nhập khẩu hàng hóa hay những mức thuế phải đóng cũng như các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Từ thực trạng trên, dự thảo đề án đưa ra giải pháp về việc miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa có giá trị hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống. Hàng hóa trên 1 triệu đồng trong danh mục buộc phải kiểm tra sẽ được miễn kiểm tra chất lượng 1 sản phẩm/lần và không quá 3 lần/năm.
Một vấn đề khác mà các sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam gặp khó là thu được tiền Việt của khách hàng nhưng khó khăn trong việc chuyển đổi sang ngoại tệ để thanh toán cho người bán tại nước ngoài. Nguyên nhân là do đa số giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới thường có giá trị thấp, đơn hàng nhỏ lẻ nhiều. Các sàn thương mại điện tử khó có thể xuất trình đầy đủ các giấy tờ liên quan đến hợp đồng, giấy ủy quyền… để mua được ngoại tệ. Bên cạnh đó, chi phí cho một tờ điện chuyển tiền khá tốn kém.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!